Nam sinh đại học 20 tuổi ở Hà Nội, được gia đình đưa đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cấp cứu rạng sáng 26/6.
Gia đình cho biết bệnh nhân bình thường đi ngủ muộn. Khoảng 4h sáng 26/6, sau khi nam sinh ngủ được 2 tiếng, gia đình nghe thấy tiếng động lạ, phát hiện bệnh nhân đang co giật, bất tỉnh. Gia đình lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhà, sau đó được chuyển tới Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, có tổn thương não, tim, nhiễm toan chuyển hóa nặng, suy thận.
"Bệnh nhân đang điều trị, tổn thương thần kinh khó phục hồi", Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, chia sẻ bên lề hội thảo Cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm này, ngày 5/7.
Đáng nói, nam bệnh nhân từng nhập viện Trung tâm Chống độc điều trị vì ngộ độc thuốc lá điện tử vào năm 2023.
"Một ngày sau khi nam sinh vào viện, cán bộ Trung tâm Chống độc gửi mẫu thuốc lá bệnh nhân dùng đến khoa Độc chất, Viện Pháp y Quốc gia, để phân tích, cho kết quả phát hiện cần sa tổng hợp MDMB-Butinaca và MDMB-3en-Butinaca", bác sĩ Nguyên cho hay.
Đây là 1 trong gần 100 bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Chống độc cấp cứu vì thuốc lá điện tử trong 6 tháng đầu năm 2024. Nhiều trường hợp được đưa đến với thương tổn nặng nề, chưa có trường hợp tử vong.
Thông tin từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh cho thấy chỉ trong năm 2023, có đến hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp...
Một nghiên cứu với 120 mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân năm 2023 được Trung tâm Chống độc tiến hành cho thấy có tới 16 mẫu thuốc lá điện tử dương tính với ma túy (chiếm 13,3%).
Độ tuổi trung bình dùng thuốc lá điện tử trong nghiên cứu khảo sát này là 22, hơn 70% ở thành thị. Đại đa số người dùng thuốc lá điện tử phải vào viện cấp cứu điều trị chia sẻ họ dùng sản phẩm này khi ở nhà/nơi ở; số còn lại sử dụng ở quán bar/ nơi giải trí, tại nhà người khác/nhà nghỉ, thậm chí ở trường học/nơi làm việc.
Triệu chứng khởi phát phổ biến sau dùng thuốc lá điện tử là lơ mơ, rối loạn ý thức và kích động. "Về mức độ hồi phục cấp cứu vì ngộ độc thuốc lá điện tử, gần 6% bệnh nhân để lại di chứng hoặc nguy cơ để lại di chứng", bác sĩ Nguyên cho hay.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách quản lý điều hành Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết nhóm tuổi hút thuốc lá điện tử tập trung nhiều từ 15-24.
Ông Khoa cho biết trước đây, các cơ sở y tế ít gặp bệnh nhân ngộ độc thuốc lá nhưng gần đây số lượng này đang ngày càng gia tăng. "Thuốc lá dùng 20 điếu/ngày không bằng hút thuốc lá điện tử với hàm lượng nicotine cao", ông Khoa nói.
Tỷ lệ người trưởng thành (15 tuổi trở lên) sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 0,2% (năm 2015) lên 3,6% (vào năm 2020). Theo điều tra, năm 2019 tỷ lệ sử dụng thuốc là mới trong nhóm 13-17 tuổi là 2,6%, tỷ lệ này tăng lên 3,5% (năm 2022), lên 7% năm 2023.
Riêng trong nhóm 13-15 tuổi, điều tra năm 2023 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới lên tới 8%, trong đó trẻ trai sử dụng nhiều hơn trẻ gái (tỷ lệ 10,5% so với 5,6%).
Trước tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng nhanh gần đây, ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới, nhấn mạnh các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, cả tác hại lâu dài và ngay trước mắt.
"Nếu không được ngăn chặn hiệu quả, thuốc lá mới sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và nhấn chìm những kết quả của phòng, chống tác hại thuốc lá trong những năm gần đây”, ông Lâm chia sẻ.