Các bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cuối tháng 7. Bác sĩ Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết những trường hợp nặng là hai mẹ con. Hai người còn lại ăn ít, biểu hiện nhẹ, nên được theo dõi tại nhà. Triệu chứng ngộ độc diễn tiến nặng sau 1 ngày ăn xôi.
Các ca nhập viện đều xuất hiện vàng mắt, vàng da toàn thân, nước tiểu đỏ sẫm. Riêng nam thanh niên 24 tuổi có biểu suy đa tạng, suy hô hấp nhanh, phân áp oxy trong máu ngoại giảm nặng, được chẩn đoán tan máu do ngộ độc thức ăn.
Các bệnh nhân nhanh chóng được xử trí đảm bảo tuần hoàn, hô hấp, thở oxy, truyền máu, dùng thuốc đối kháng. Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, các chỉ số xét nghiệm trở lại bình thường, được xuất viện.
"Loại cây cỏ tạo màu tím ngâm gạo nếp để đồ xôi của gia đình không được xác định được nguồn gốc", bác sĩ Đô chia sẻ ngày 8/8.
Ngoài 2 mẹ con nam thanh niên trên, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cũng tiếp nhận ca bệnh tan máu sau ăn nấm.
Theo bác sĩ Đô, tan máu là sự phá hủy các tế bào hồng cầu do nhiều nguyên nhân gây ra. Các tế bào hồng cầu mang oxy từ phổi đến các mô khắp cơ thể và mang CO2 từ các mô trở lại phổi để thải ra bên ngoài.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng tan máu như khiếm khuyết hệ thống miễn dịch, bệnh lý tự miễn, do thuốc, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm, hóa chất. Việc phát hiện sớm, chính xác tan máu giúp điều trị hiệu quả, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra như xuất huyết não, nội tạng nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên dùng các loại cây, cỏ không rõ nguồn gốc hay các hóa phụ gia thực phẩm là hóa chất nhân tạo, chỉ nên dùng nguyên liệu tự nhiên từ các loại thực vật đã biết rõ là an toàn như gấc, cà chua, nghệ... để chế biến thực phẩm.
Để phòng ngừa ngộ độc và các bệnh liên quan đến thực phẩm, người dân không ăn những thực phẩm không rõ nguồn gốc, có màu sắc lòe loẹt.