Hai ngày qua, chị P.P.Y (25 tuổi, Tiền Giang) sống trong nỗi lo sợ khi người cha tưởng như có lúc không qua khỏi. Chị cùng mẹ và chị gái túc trực ở Bệnh viện Chợ Rẫy cả ngày lẫn đêm, chờ tin cha đang nằm trong phòng hồi sức.
Cha của Y. là ông P.M.T, bị ngộ độc sau uống sữa, dẫn tới suy đa tạng, được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ngày 15/10. Đến chiều nay, ông T. đã qua cơn nguy kịch, sinh hiệu ổn định, sức khỏe có cải thiện. Ông nhận ra con gái dù chưa thể nói chuyện.
Chị Y. cho biết nhà của cha mẹ cách nhà bà nội chỉ vài trăm mét. Sự việc của gia đình chị được đăng tải liên tục trên báo chí. Tuy nhiên, gia đình chỉ biết bà nội và cha chị Y. uống cùng một loại sữa, chưa xác định được người chú ruột (45 tuổi, tử vong đầu tiên) có uống hay không.
Theo chị Y., loại sữa nói trên là của bà nội, không rõ nhãn hiệu. Ngày 15/10, ông P.M.T. pha sữa uống tại đám tang. Ngay sau đó, ông nôn ói, chóng mặt và được đưa đi cấp cứu. Ông được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long nhưng tình trạng quá nặng, phải tiếp tục chuyển lên TP.HCM.
“Bác sĩ nói tình trạng của cha rất nặng, có thể gặp nguy kịch trên đường đi”, chị Y. nhớ lại. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau vài giờ nhập viện, bác sĩ thông báo bệnh nhân cần được tiến hành lọc máu do suy đa tạng.
“Mỗi lần lọc máu, gia đình phải tạm ứng 20 triệu đồng. Đến nay, cha đã lọc máu 3 lần, tạm ứng 60 triệu. Cha mẹ lớn tuổi và có nhiều bệnh nên lâu nay ở nhà làm vườn. Chị gái tôi làm công nhân ở TP.HCM, tôi buôn bán. Hai chị em đi làm rồi gửi tiền về phụ cha mẹ. Lần này, chúng tôi chỉ biết cố gắng vay mượn khắp nơi”, chị Y. tâm sự.
Chỉ trong 2 ngày, gia đình chị Y. phải chi trả liên tục tiền viện phí khi cấp cứu ở tuyến dưới, tiền xe vận chuyển lên TP.HCM cũng như đóng tạm ứng viện phí tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chưa kể những ngày điều trị kéo dài sắp tới.
Theo Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, hoàn cảnh gia đình bệnh nhân P.M.T rất khó khăn. Đây là hộ nghèo ở địa phương, kinh tế chủ yếu là làm nông.
“Mặc dù bệnh nhân T. có Bảo hiểm y tế nhưng chi phí điều trị lớn do phải lọc máu liên tục, dự kiến con số có thể lên đến 200 triệu đồng, vượt quá khả năng của gia đình người bệnh”, ông Hiển nói. Hiện Phòng Công tác xã hội đang nỗ lực tìm phương án, kêu gọi hỗ trợ để giúp đỡ trường hợp này.
Như VietNamNet đã đưa tin, ngày 14/10, cụ bà P.T.P. (83 tuổi) phát hiện con ruột là ông P.V.Y. (45 tuổi) nằm chết. Người nhà tưởng ông Y. tử vong do bệnh lý nên không trình báo chính quyền.
Đến tối cùng ngày, con gái pha cho cụ P. 100ml sữa. Sau khi uống sữa, cụ P. có biểu hiện tức ngực, khó thở và nôn ói. Khoảng 5 phút sau, cụ tử vong tại nhà. Gia đình nghĩ cụ P. mất do bệnh lý nên không trình báo công an.
Ngày hôm sau, ông P.M.T. (55 tuổi, con cụ P.) đến phụ đám tang. Tại đây, ông T. cũng pha 150ml sữa uống. Khi uống được khoảng 50ml sữa, ông bị nhức đầu, chóng mặt, nôn ói nên được đưa đi cấp cứu. Sau đó, ông T. được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) trong tình trạng rất nặng: tổn thương gan, thận, phổi, cơ tim; thở máy và phải lọc máu hấp phụ.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định bệnh sử của ông T. khá phức tạp. Người mẹ và em trai lần lượt tử vong, khả năng có liên quan đến một loại sữa bột, trong khi trước đó đều khỏe, sinh hoạt bình thường. Theo các bác sĩ, người bệnh bị ngộ độc cấp dẫn đến tổn thương đa tạng, suy hô hấp cấp. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được độc chất.