Mời quý độc giả theo dõi video:
Kon Plong là huyện miền núi ở phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum với hơn 6.500 hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số. Là huyện còn nhiều khó khăn, được thụ hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, người đồng bào tại Kon Plong chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp.
Từ nhiều năm, do đói nghèo, lạc hậu, cộng đồng người dân tộc Xơ Đăng tại Kon Plong thường xuyên diễn ra tình trạng tảo hôn. Những bé gái chỉ mới 14,15 tuổi đã làm mẹ, đời sống lại càng khó khăn hơn. Sau khi Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Kon Plông đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm thiểu và tiến đến xóa bỏ tình trạng tảo hôn trên địa bàn.
Với trọng tâm là các hoạt động truyền thông, vận động bằng nhiều hình thức phù hợp. Chính quyền địa phương không chỉ tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tập trung, mà các cán bộ còn tích cực đi từng nhà, vận động từng người dân, nhất là các em trong độ tuổi từ 12-16 tuổi, cha mẹ của các cặp tảo hôn, cha mẹ các em thuộc độ tuổi vị thành niên... về những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; cung cấp thông tin thông qua tài liệu, sản phẩm truyền thông với hình thức đa dạng, phong phú về nội dung như băng rôn, panô, áp phích, tờ gấp bằng tiếng Việt và tiếng Xơ Đăng. Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra được các cấp chính quyền triển khai thường xuyên, nghiêm túc, sớm phát hiện để có biện pháp xử lý kịp thời, mạnh mẽ.
Chính nhờ những hoạt động đó mà tổng số trường hợp tảo hôn trên địa bàn huyện Kon Plong trong thời gian qua có xu hướng giảm dần theo từng năm, không có hôn nhân cận huyết thống. Năm 2016 có 39 cặp tảo hôn; năm 2017 có 22 cặp; năm 2018 có 19 cặp; năm 2019 có 09 cặp; năm 2020 có 02 cặp. Đến năm 2023 thì nạn tảo hôn đã vắng bóng trên mảnh đất Kon Plong.
Để giữ vững kết quả đáng mừng đã đạt được, huyện Kon Plong vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát chặt chẽ để kịp thời ngăn chăn các trường hợp có nhiều khả năng kết hôn sớm.
Ngoài những nguyên nhân truyền thống dễ dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như trước đây, Ủy ban nhân dân huyện Kon Plong cũng nhận định với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là thiết bị di động thông minh trong giai đoạn hiện nay, việc khai thác, sử dụng không đúng mục đích của thanh thiếu niên sẽ có tác động không nhỏ và dễ dẫn đến việc yêu sớm, kết hôn sớm. Để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng này, huyện đã đưa ra những chỉ tiêu nhằm nâng mức cảnh báo lên cao nhất, liên tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền và giám sát chặt chẽ với quyết tâm đẩy lùi nạn tảo hôn trên mảnh đất Kon Plong.