Quảng Bình có 2 tôn giáo là Công giáo và Phật giáo, trong đó Công giáo có hơn 112.000 người, tập trung chủ yếu ở 60 xã của 6 huyện, thành phố, thị xã; về tổ chức, có 2 giáo hạt, 35 giáo xứ, 94 giáo họ và 2 giáo điểm; có 49 linh mục và 1 dòng tu Mến Thánh giá Hướng Phương; 84 nhà thờ. Phật giáo có hơn 3.000 người; cơ sở thờ tự có 11 chùa.
Những năm qua, công tác quản lý thông tin, truyền truyền về vấn đề dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong thời gian tới, dự báo tình hình dân tộc, tôn giáo có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đòi hỏi cần có những giải pháp sát hợp, kịp thời nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, TS. Hoàng Thanh Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình cho hay, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhất là phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo tỉnh trong việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là Nghị quyết số 24-NQ/TW; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới” và Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011, của Chính phủ, “Về công tác dân tộc”; tập trung tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và đời sống của nhân dân. Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh của tỉnh ở trong nước và thế giới. Công tác tuyên truyền phải từng bước được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng thời điểm nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội.
Hai là, nắm chắc tình hình dư luận trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm (địa bàn vùng giáo, nơi người dân chưa đồng thuận với triển khai thực hiện các dự án, khiếu kiện liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng…), kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm các điểm nóng, các vấn đề nhạy cảm liên quan đến vấn đề tôn giáo, bảo đảm ổn định chính trị, tư tưởng, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ba là, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, nhất là trong xây dựng cơ sở thờ tự, quản lý đất đai; tạo điều kiện để tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật của Nhà nước. Phối hợp giải quyết tốt các nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách về dân tộc, tôn giáo, xem đây là công việc quan trọng, cơ bản, thường xuyên, lâu dài. Các chính sách dân tộc, tôn giáo được xây dựng và ban hành phải là động lực trực tiếp thúc đẩy bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo và phát huy vai trò, tiềm năng của mỗi dân tộc, tôn giáo; qua đó, tạo sự đoàn kết, đồng thuận từ cơ sở và trong nội bộ nhân dân. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền để gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng dân tộc, tôn giáo.
Bốn là, tăng cường theo dõi, tổng hợp tình hình thông tin báo chí về dân tộc, tôn giáo; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, địa phương trong công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về công tác dân tộc, tôn giáo; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người sử dụng internet, các phương tiện truyền thông xã hội biết cách nhận diện thông tin tốt - xấu, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân khi tham gia trên không gian mạng. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc ứng phó với tin giả; kịp thời thông tin chính thống đến người dân. Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò nòng cốt trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Năm là, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động trên không gian mạng; tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của những đối tượng cực đoan trong tôn giáo lợi dụng những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong phát triển kinh tế - xã hội, các vụ, việc vi phạm quy định pháp luật về đất đai, xây dựng. Tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí liên quan đến dân tộc, tôn giáo; phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, các địa phương để theo dõi thông tin, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để truyền đạo trái pháp luật, phát tán thông tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên không gian mạng, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Văn Thường, Thu Thủy, Đàm An