Toàn tỉnh hiện có gần 2.600 ha vải, trong đó khoảng 1.400 ha đang trong giai đoạn thu hoạch, được trồng chủ yếu ở các huyện Ea Kar, M’Đrắk, Krông Pắk và Krông Năng. Sản lượng niên vụ 2022 – 2023 này ước đạt 14.000 tấn quả.
Hiện nay, người dân Đắk Lắk trồng chủ yếu 3 loại giống vải là u hồng, u thâm và u trứng. Giống được nhập chủ yếu từ các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh.
Cây vải giống Lục Ngạn – Bắc Giang trồng tương đối phù hợp với chất đất sỏi pha cát ở các huyện phía Nam và Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk. Mỗi ha vải ở đây cho thu trên 10 tấn quả, với chất lượng thơm, ngọt, nhiều nước và dày cùi.
Từ đầu tháng 4/2023, lượng vải thiều sau thu hoạch trên địa bàn được các thương lái ở nhiều nơi đến mua, cung không đủ cầu.
Vải thiều được xem là cây “xóa đói giảm nghèo” ở một số địa phương của tỉnh.
Để phát triển vải thành cây hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, xã Ea Sar đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong đó có nhiều giải pháp phát triển vùng nguyên liệu bền vững tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể “Vải thiều Ea Kar” đã góp phần đưa cây vải chín sớm trở thành cây trồng chủ lực, nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp đáng kể trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Ea Kar.
UBND xã đã hỗ trợ cây giống, phân bón, mời các chuyên gia về chuyển giao kỹ thuật cho nông dân xây dựng 12 mô hình trồng vải. Bên cạnh đó, UBND xã đã tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ giữa các chủ vườn vải, tiểu thương, doanh nghiệp nhằm giới thiệu, quảng bá cây vải, kết nối đầu ra cho nông dân, hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá; tổ chức các lớp tập huấn, giới thiệu về cấp mã số vùng trồng đối với cây vải.
Huyện Ea Kar là địa phương có diện tích trồng vải thiều lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với 918 ha, sản lượng năm 2023 ước đạt 9.105 tấn. Năm nay, thời tiết thuận lợi, giá bán tương đối cao, đầu ra thuận lợi, nông dân trồng vải khá phấn khởi.
Huyện cũng đã thành lập 1 hợp tác xã chuyên sản xuất cung ứng giống cây vải thiều, 1 hợp tác xã nông nghiệp và 2 tổ hợp tác chuyên sản xuất vải thiều. Đồng thời, huyện đã hình thành vùng sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP và được cấp chứng nhận với quy mô 78,5 ha; đề xuất gắn 4 mã số vùng trồng với diện tích 48,5 ha.
Ngoài ra, huyện đã lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể ”Vải thiều Ea Kar”.
Xã Ea Sar hiện có trên 300 ha vải, trong đó có khoảng 250 ha đang trong thời kỳ kinh doanh với năng suất trung bình từ 10 - 15 tấn/ha. Với ưu điểm chín sớm, quả mọng nước, vị ngọt thanh, vải trên địa bàn đều bán được giá cao, đem lại lợi nhuận cho nông dân từ 300 – 400 triệu đồng/ha.
Vì vậy, UBND xã rất chú trọng việc liên kết người trồng vải nhằm phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Xã đã vận động, hỗ trợ thành lập 1 tổ hợp tác vải và 1 Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Thanh Bình.
Các mô hình kinh tế tập thể này đóng vai trò quan trọng dẫn dắt nông dân trên địa bàn phát triển cây vải bền vững, cung cấp cây giống đạt chuẩn, thử nghiệm các loại phân bón, hỗ trợ kỹ thuật, tìm đầu ra nhằm tiến tới xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để xuất khẩu vải.
Không chỉ tại xã Ea Sar, cây vải cũng đang phát triển mạnh tại các xã Ea Sô, Ea Tih, Ea Đar, với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Huyện đã hỗ trợ phát triển sản xuất vải thiều theo hướng VietGAP; tổ chức các hội thảo kết nối thương mại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với những vùng trồng vải trên địa bàn, tạo đầu ra ổn định.
Ngành nông nghiệp huyện cũng tổ chức tập huấn cho người dân thực hiện việc đóng gói sản phẩm, xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, trích dẫn nguồn gốc xuất xứ, chế biến sản phẩm vải khô sấy...
Đề án “Xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025” đã được HĐND huyện thông qua cuối năm 2021.
Trong đó xác định vải thiều là một trong 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được tập trung xây dựng, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển bền vững cây vải thiều.
Tỉnh đang tích cực hỗ trợ bà con mở rộng diện tích vải trên phần đất phù hợp, tiến hành thành lập HTX và cấp mã vùng trồng để có thể xuất khẩu vải ra thị trường nước ngoài.