Bài 1: Hơn 30 năm, chiếc khuôn gỗ giúp bà mẹ nghèo nuôi đàn con trưởng thành

Về làm dâu làng nghề Thạch Xá, chị Phan Thị Huyền cũng theo đuổi nghề làm bánh chè lam như bà Nguyễn Thị Yến. Nếu như bà Yến giữ nghề truyền thống theo cách thủ công, nàng dâu sinh năm 1985 lại chọn đưa công nghệ vào quá trình sản xuất và bán hàng.

W-ch232-lam-thach-x225.jpg
W-che-lam-thach-xa-vietnamnet-7-1.jpg
Chị Huyền dùng điện thoại để phát trực tiếp quá trình làm chè lam

"Làm gì tôi cũng livestream (quay video và phát trực tiếp trên mạng xã hội), có ngày đăng 10 bài liền. Tôi vừa làm vừa livestream, vừa bán hàng. Tôi không hề giấu nghề mà công khai hết quy trình sản xuất bánh chè lam cho mọi người nhìn thấy, để mọi người yên tâm mua hàng”, chị Huyền tâm sự.

Thông qua hình thức livestream, dịp Tết Nguyên đán 2024, chị Huyền bán được cả tạ bánh chè lam mỗi ngày. 

Sân nhà chị biến thành một xưởng sản xuất. Trong dây chuyền, mỗi người đảm nhận một công đoạn: người nấu mật, nhào bột, người lên khuôn, cắt bánh, người đóng gói... đảm bảo tiến độ giao hàng.

Mạnh dạn áp dụng công nghệ 

Ngoài việc đưa sản phẩm và quá trình sản xuất lên sóng Facebook, chị Huyền còn mạnh dạn đổi mới cách làm để rút ngắn thời gian làm ra thành phẩm. Bên cạnh việc đầu tư máy nhồi bột để tiết kiệm thời gian, chị còn cải tiến quy trình lên dây cho bánh chè lam của mình.

Theo cách truyền thống, thợ làm bánh chè lam sau khi nhào bột sẽ tiếp tục dùng tay nhồi bột vào chiếc khuôn gỗ dài để tạo hình bánh chè lam. Còn chị Huyền sử dụng những chiếc khay inox hình chữ nhật. Mỗi khay có thể chứa từ 7-9kg bánh chè lam nóng vừa ra lò. Khi bánh nguội, chị sẽ nhẹ nhàng dùng dao thái thành từng dải, từng miếng vuông vức.

Chiếc khuôn gỗ theo cách làm truyền thống dài cả mét như cây thước và dây bánh chè lam khi mới ra khuôn

Khay inox đổ bánh chè lam trước khi cắt thành bánh 

Chị Huyền chia sẻ: "Càng ngày càng có nhiều công cụ giúp người làm bánh đỡ khó nhọc và đạt hiệu quả cao hơn. Một ngày mà làm 1 tạ chè lam bằng tay hoàn toàn thì tốn rất nhiều công sức. Nhưng từ khi có máy, tôi làm được điều đó một cách đơn giản".

Cũng nhờ có duyên bán hàng mà lượng đơn hàng ngày một nhiều, chị phải huy động hầu hết nhân sự trong gia đình hai bên nội ngoại tham gia làm cùng mình. Khi bận việc, em dâu chị có thể đảm nhận các việc cắt và cân bánh. Mẹ chồng, các con, cháu sẽ cùng nhau đóng gói, đi giao hàng. 

Cải tiến hương vị món truyền thống

Nguyên liệu làm bánh chè lam truyền thống bao gồm bột, mạch nha, đường kính, gừng, lạc, vừng... Nhưng 8X mạnh dạn đổi mới hương vị của món bánh truyền thống. Chị thay đường kính bằng đường thốt nốt, thay mỡ động vật bằng bơ, thay lạc bằng hạnh nhân, hạt điều... Sự mạnh dạn này được đông đảo người trẻ đón nhận. 

"Mỗi nhà trong làng nghề Thạch Xá có bí quyết làm bánh chè lam khác nhau, không ai giống ai. Trước đây tôi cũng làm bằng đường kính giống mọi người. Nhưng bây giờ, 100% bánh làm ra tôi đều dùng đường thốt nốt. Đây là loại đường có vị ngọt mát, thanh hơn và tốt cho sức khỏe", chị Huyền bật mí.

"Có khách đề nghị bánh chè lam không gừng, không thịt, thật ít lạc và nhiều vừng dừa. Tôi bắc bếp ga nhào bằng tay làm riêng 1 mẻ cho khách luôn. Giá vẫn như chè lam bằng máy. Khách đặt hàng là quý rồi, cái gì chiều khách được là tôi chiều thôi”, chị Huyền bộc bạch.

Bánh chè lam gấc, bánh chè lam không lạc nhiều vừng, bánh chè lam hạnh nhân, bánh chè lam chay hay nhiều thịt, bánh chè lam nhiều dừa... khách đặt kiểu gì, chị Huyền cũng nhận làm hết. Mỗi cân bánh chè lam của chị có giá từ 70.000đ-100.000đ tùy loại. Tuy giá cao hơn so với mặt bằng chung trong làng nhưng do được nhiều người đặt hàng trước nên sản phẩm của chị làm đến đâu bán hết đến đấy.

Có lẽ vì chị Huyền chiều khách và chịu khó cải tiến quy trình sản xuất nên không hề thấy mệt khi làm việc. Mỗi ngày 8X dậy từ 4h30 sáng. Sau khi dành 1 giờ đồng hồ tập yoga chăm sóc sức khỏe, 6h30 chị bắt đầu chuẩn bị cho một ngày mới làm việc.  

Chị Huyền làm liên tục, luôn chân luôn tay, đủ mọi mặt hàng phục vụ khách dịp Tết, từ bán bánh chè lam, gói bánh chưng, làm giò xào... và mặt hàng nào cũng thu hút sự chú ý của mọi người khi lên mạng livestream.

Chị Huyền cùng nhiều người trẻ trong làng đang tiếp tục đưa sản phẩm bánh chè lam của làng nghề Thạch Xá lên mạng, bán cho thực khách xa gần khắp mọi miền đất nước.