Quà quê gây thương nhớ
Mọi năm, vợ chồng chị Trần Thị Cẩm Ly (30 tuổi, Hà Nội) thường tranh thủ dịp nghỉ lễ về thăm bố mẹ chồng ở Nghệ An. Năm nay, vợ chồng chị tổ chức đưa gia đình nội ngoại cùng đi du lịch. Thế nhưng, đến ngày xuất phát, bố mẹ chồng của chị Ly lại bận việc nên không thể đi cùng.
Sau chuyến du lịch, vợ chồng chị Ly trở lại Hà Nội làm việc thì nhận được “của để dành” bố mẹ chồng gửi từ quê ra. “Của để dành” theo định nghĩa của chị Ly chính là rau củ, lươn đồng, gà, heo, đặc sản xứ Nghệ…
Hạnh phúc, chị Ly khoe quà quê trên mạng xã hội. Hàng ngàn người dùng mạng đã bày tỏ cảm xúc yêu thích và bình luận chúc mừng chị Ly được bố mẹ chồng yêu thương.
Trò chuyện cùng VietNamNet, chị Ly cho biết trước đây, chị chưa biết chỗ mua đồ ngon, sạch ở Hà Nội nên thường nhờ bố mẹ chồng gửi rau củ, thịt cá ở quê ra.
“Vài ba ngày, mẹ chồng lại gọi điện ra hỏi cái này còn không, cái kia hết chưa, không còn thì mẹ gửi ra cho. Hoặc, bố mẹ chồng có món ngon đều gửi ra chia cho con cháu”, chị Ly chia sẻ.
Về sau, việc mua thực phẩm an toàn, sạch ở Hà Nội dễ dàng hơn. Chị Ly sợ bố mẹ chồng vất vả nên nhắc ông bà gửi ít. Bù lại, mỗi dịp về quê, vợ chồng chị đều tranh thủ mang một xe đầy ắp quà quê lên Hà Nội.
Chị Ly tự hào: “Tôi và chồng đều sinh ra, lớn lên ở xứ Nghệ. Đất quê tôi vốn cằn cỗi nhưng rau gì cũng thơm ngon. Có lẽ, rau có cả mùi của quê hương, mùi của tình thân nên mới gây thương nhớ đến thế”.
Không chỉ gà nhà nuôi, rau vườn trồng, làng quê vùng núi xứ Nghệ còn có gà đồi, lợn sạch và đặc biệt là lươn đồng. Đó là những món khoái khẩu của Tí, con trai chị Ly.
Biết Tí thích ăn lươn đồng nên khi được mọi người biếu, bố mẹ chồng chị Ly thường để dành gửi ra cho cháu.
“Không biết có ai giống mẹ chồng tôi không, mỗi lần bà chuẩn bị thực phẩm cho chúng tôi mang đi hoặc gửi ra là như cả trang trại. Tôi thường nói vui quà quê bà gửi bằng một sạp hàng ở chợ”, chị Ly cười hạnh phúc.
Tình thân gửi gắm trong quà quê
Nhận “của để dành” từ bố mẹ chồng, chị Ly nâng niu, trân trọng, tìm cách bảo quản để dùng dần.
Chị Ly cho biết, lươn đồng dễ bảo quản, lại nấu được nhiều món ngon như: lươn om chuối, lươn xào sả, lươn xào lá lốt, súp lươn… Con trai chị Ly mê tít khi được ăn lươn đồng của ông bà nội gửi từ quê.
Không dễ bảo quản như lươn, rau từ quê gửi ra rất khó giữ nguyên độ tươi ngon. Sau vài lần ăn không kịp, phải bỏ rau hỏng, chị Ly rút ra được một vài kinh nghiệm để trữ rau tươi ăn dần trong khoảng 1-2 tuần.
“Để bảo quản được lâu, rau lúc hái không nên để dính nước. Nếu có dính nước thì ưu tiên sử dụng trước. Tôi thường bọc thêm lá chuối cho rau không dập nát và tươi lâu hơn.
Rau ăn trong vòng 1-2 ngày thì để nguyên lá chuối và buộc túi kín. Rau ngót dễ rụng lá, tôi thường tuốt ra trước, cho vào hộp nhựa kín. Với các loại rau khác, tôi lót giấy ăn và đựng rau trong hộp kín.
Sau đó, tôi đem tất cả bỏ vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản lâu dài. Riêng hành lá, tôi rửa sạch, thái theo nhiều kích cỡ và chia vào các hộp nhựa khác nhau trữ tủ đông”, chị Ly bật mí kinh nghiệm bảo quản rau.
Nàng dâu xứ Nghệ chia sẻ, hiện nay, rau củ quả mua ở đâu cũng dễ, có khi chỉ cần gọi điện là được giao đến tận nhà. Thế nhưng, chị lại cảm thấy hương vị quê hương luôn đặc biệt.
Được nhà nội lẫn nhà ngoại yêu thương, nhà chị Ly luôn đầy ắp thức quà quê. Mỗi lần nhận được quà quê, dù ít dù nhiều, chị thường chia sẻ cho bạn bè, hàng xóm ở Hà Nội cùng thưởng thức.
“Vật chất có thể không nhiều nhưng chứa đựng trong từng ngọn rau, loại quả ấy là tình cảm dạt dào và chất phác”, chị Ly tâm sự.
Trong suốt 1 năm đầu đời, con trai chị Ly chỉ ăn đồ của ông bà nội gửi. Mỗi dịp về quê, ngày nào chị cũng dẫn con ra vườn. Chị vừa dạy con tên các loại rau vừa nhắc nhở con nhớ ơn công sức ông bà chăm bón.
Với chị Ly, tiền có thể mua được nhiều thứ nhưng không thể mua được tình cảm gửi gắm trong thức quà của bố mẹ chồng. Nếu như trước đây, chị sợ bố mẹ chuẩn bị thức quà vất vả, lỉnh kỉnh thì nay, khi đã có con, chị hiểu trồng rau, nuôi gà là một niềm vui.
“Chăm rau cũng để chăm người nên trồng được cho con cái ăn là bố mẹ chúng tôi vui lắm. Luống rau, quả cà bố mẹ chả ăn bao nhiêu mà ngày nào cũng gieo trồng, chăm bón, mong đến ngày con cháu về cùng nhau thu hoạch.
Trong mắt bố mẹ, dù con là đứa trẻ 3 tuổi hay 30 tuổi thì vẫn cần được chăm sóc. Có lẽ, đó là hạnh phúc, là niềm vui đặc biệt của người làm bố làm mẹ.
Nhà luôn là nơi để về. Nhà là nơi trái tim nương tựa ấm áp, an toàn và được chăm sóc cho nhau. Ở đó có của nhà trồng, có bố mẹ luôn dõi theo con.
"Với bố mẹ, con cái chính là của để dành quý giá nhất. Cảm ơn bố mẹ chồng đã cho tôi một tổ ấm thứ hai”, chị Ly bày tỏ.
Ảnh: Nhân vật cung cấp