Theo Space, vào tháng 12/2019, chu kỳ Mặt trời thứ 24 chính thức khép lại, đây được coi là một trong những chu kỳ Mặt trời hoạt động yếu nhất được ghi nhận. Tại thời điểm đó, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cùng Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã đưa ra dự đoán về chu kỳ 25, và đều cho rằng chu kỳ này Mặt trời cũng không hoạt động quá mạnh.
Tuy vậy, Scott McIntosh - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ (NCAR) lại đưa ra một dự báo hoàn toàn khác, chu kỳ Mặt trời 25 có thể nằm trong số những chu kỳ mạnh sẽ được lịch sử ghi lại.
"Tôi và các cộng sự đã phân tích dữ liệu hoạt động từ trường của Mặt trời trong hơn 100 năm qua, từ đó, đưa ra một mô hình định hình chu kỳ vết đen Mặt trời. Dựa vào đó, chúng tôi cho rằng, biên độ năng lượng của chu kỳ 25 có thể cao gấp đôi biên độ của chu kỳ 24", ông McIntosh chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, dường như NASA và NOAA đã sai, khi Mặt trời đã liên tục tạo ra nhiều vết đen và phóng ra nhiều cơn bão Mặt trời về phía Trái đất. Cụ thể, NASA dự đoán chỉ có 27 vết đen vào tháng 12/2021, nhưng có tới 67 vết đen xuất hiện. Tới tháng 5/2022, NASA cho rằng có 37 vết đen, nhưng con số thực tế là 97. Hoạt động mạnh của chu kỳ thứ 25 cũng tạo ra rất nhiều cơn bão, phá hỏng nhiều vệ tinh quan sát và tạo ra hiện tượng cực quang.
Chu kỳ Mặt trời là thuật ngữ chỉ sự thay đổi định kỳ về số lượng các vết đen trên bề mặt Mặt trời. Trong đó, khoảng thời gian Mặt trời tĩnh lặng nhất, tức có ít vết đen nhất, được gọi là giai đoạn cực tiểu và ngược lại, giai đoạn cực đại chỉ thời kỳ Mặt Trời hoạt động mạnh nhất, tức có nhiều vết đen nhất. Mỗi chu kỳ Mặt trời tồn tại trung bình khoảng 11 năm, kéo dài từ giai đoạn cực tiểu này đến giai đoạn cực tiểu tiếp theo.
Việt Dũng