Đan Mạch, quốc gia nằm ở cửa biển Baltic đã công bố kế hoạch mua thêm hàng chục chiến hạm mới với lý do các mối đe dọa đang gia tăng ở biển Baltic và Bắc Cực.

Theo tạp chí Business Insider, trong tháng 4, Lithuania, quốc gia giáp với Nga và biển Baltic cũng thông báo sẽ mua 2 tàu tấn công mới. Trong khi đó, Ba Lan đang đóng các khinh hạm mới và có kế hoạch mua cả tàu ngầm. Estonia, quốc gia chỉ có 8 tàu chiến ​​và là một trong những lực lượng hải quân nhỏ nhất thế giới, cũng đặt mục tiêu mua thêm 12 chiến hạm mới.

ng nato baltic.jpg
Tàu chiến Nga tập trận. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga 

Thụy Điển, nước gia nhập NATO sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, cho biết đang mua thêm 4 chiến hạm nổi. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson đánh giá, các tàu mới này sẽ "lớn hơn nhiều” so với những tàu hộ tống lớp Visby đang được nước này sử dụng. 

Mục đích tăng cường sức mạnh quân sự của Thụy Điển chủ yếu nhằm đối phó với Nga. Thậm chí, nước này còn phát cho công dân cuốn sách hướng dẫn về cách chuẩn bị cho tình huống xảy ra xugn đột. Ngoài việc tăng chi tiêu quốc phòng, Thụy Điển còn cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ quân sự lớn nhất từ ​​trước đến nay trong năm 2025 với trị giá khoảng 1,6 tỷ USD.

Chuyên gia Bryan Clark tại Viện Hudson, người từng công tác trong ban tham mưu của Hải quân Mỹ, nhận định các tàu mặt nước mới khi kết hợp với tàu ngầm của Thụy Điển sẽ "rất hữu ích để đóng cửa biển Baltic nếu họ muốn”. 

Việc Thụy Điển gia nhập NATO đã thúc đẩy sự hiện diện trên biển của liên minh quân sự này, đặc biệt tại vùng biển Baltic, nơi gồm các quốc gia Thụy Điển, Phần Lan, Nga, Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.

Theo Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, tính đến tháng 12/2023, Hải quân Nga đang duy trì một tàu ngầm tấn công, 5 tàu ​​khu trục tên lửa dẫn đường, một khinh hạm tên lửa dẫn đường và 35 tàu nhỏ hơn ở trên biển Baltic. Tuy nhiên, Nga cũng đang di chuyển các tài sản hải quân và thay đổi số lượng tàu chiến ở mỗi cảng.

Nhiều nước thành viên NATO đã bắt đầu gọi biển Baltic là "biển NATO”, sau khi Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu. Đáng chú ý, Thụy Điển đang sở hữu đội tàu ngầm mà ít thành viên NATO nào khác trong khu vực có được. Ví dụ, Estonia, Latvia, Đan Mạch, Phần Lan và Lithuania không có tàu ngầm, trong khi Ba Lan chỉ có một chiếc. 

Các chuyên gia về chiến tranh hải quân đánh giá tàu ngầm của Thụy Điển rất phù hợp với hoạt động ở biển Baltic. Theo Steven Horrell, cựu sĩ quan tình báo hải quân Mỹ đang là chuyên gia tại Trung tâm Phân tích chính sách Châu Âu, các tàu ngầm nhỏ và yên tĩnh của Thụy Điển là lựa chọn hoàn hảo đối với vùng biển có "các cửa sông nhỏ hơn, các đảo nhỏ, vùng nước nông nhỏ".

Cũng theo ông Jonson, Thụy Điển có thể mang lại "năng lực độc đáo" cho các hoạt động của NATO tại biển Baltic, cả ở dưới nước và trên mặt nước. Hiện tại, nước này đang tham gia chiến dịch Baltic Sentry của NATO để giám sát biển Baltic trong nỗ lực nhằm bảo vệ các tuyến cáp ngầm và đường ống đi qua đây.