Nguồn tin của tờ The Telegraph ngày 4/6 tiết lộ, NATO đang nhanh chóng xây dựng các "hành lang trên bộ" nhằm đưa binh lính và khí tài Mỹ ra tiền tuyến trong trường hợp liên minh này nổ ra xung đột với Nga.
"NATO phải sẵn sàng cho những kịch bản có thể xảy ra trong vòng hai thập kỷ tới. Tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm ngoái, lãnh đạo các nước thành viên đã thống nhất việc ưu tiên xây dựng các tuyến đường hậu cần và duy trì khoảng 300.000 binh lính trong tình trạng sẵn sàng tác chiến", một quan chức tiết lộ với The Telegraph.
Báo cáo của The Telegraph cho biết, quân đội Mỹ hiện có thể đổ bộ tại 1 trong 5 cảng ở châu Âu (Hà Lan, Italia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Na Uy), sau đó di chuyển theo các hành lang trên bộ để đối đầu với Moscow. Tuyến đường được binh lính Mỹ ưu tiên sẽ là hành lang số 1 (cảng Rotterdam của Hà Lan), từ đó họ có thể di chuyển tới Đức và Ba Lan.
Trong trường hợp hành lang số 1 bị bắn phá hoặc các cảng ở Bắc Âu bị hư hại, binh lính Mỹ sẽ chuyển trọng tâm sang các hành lang còn lại. Tại hành lang số 2, lực lượng Mỹ có thể nhanh chóng di chuyển qua Slovenia và Croatia để tới Hungary - quốc gia có biên giới với Ukraine. Điều tương tự cũng diễn ra tại các hành lang còn lại, nhằm đưa quân đội Mỹ tới sườn đông của NATO một cách nhanh nhất.
Theo các quan chức châu Âu, quân đội NATO sẽ không bị hạn chế bởi luật pháp địa phương khi hoạt động tại các hành lang kể trên. Bên cạnh đó, NATO cũng đang mở rộng thêm các tuyến đường bộ dẫn tới các cảng khác ở châu Âu, nhằm đảm bảo đường liên lạc không bị cắt đứt nếu xung đột nổ ra.
"Việc xây dựng các căn cứ hậu cần khổng lồ như tại Afghanistan và Iraq là không hiệu quả, bởi chúng dễ bị tập kích và phá hủy ngay khi xung đột nổ ra. Vì lẽ đó, kế hoạch thiết lập nhiều hành lang để vận chuyển binh lính và khí tài một cách nhanh chóng càng trở nên quan trọng", Tướng Alexander Sollfrank, lãnh đạo bộ chỉ huy hậu cần (JSEC) của NATO, nói với The Telegraph.