Vấn đề kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam chưa bao giờ nóng bỏng, phức tạp và nan giải như những năm gần đây. Cả giới báo chí cùng các nhà thiết kế chính sách đã bàn luận về nhiều định hướng, mô hình và phương thức tháo gỡ.
Tuy nhiên, bài toán khó dường như vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Những kết quả đạt được mới chỉ tiến đến một vài khía cạnh của cơ chế chính sách, những ý kiến đề xuất dường như mới tóm lược một số mô hình tham khảo bên ngoài.
Chúng ta vẫn chưa thực sự thẳng thắn đề cập đến bản chất, thậm chí còn đang né tránh những nút thắt cơ bản kìm hãm sự phát triển kinh tế báo chí - truyền thông. Nút thắt đó mang tính nguyên lý, như một “vòng kim cô” cần được “niệm chú” nới bỏ.
Trình độ phát triển của kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023, doanh thu toàn ngành ước đạt 3.744.214 tỷ Việt Nam đồng, tăng 1,49% so với năm 2022; Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 99.323 tỷ Việt Nam đồng, tăng 1,31% so với năm 2022; Đóng góp vào GDP của ngành thông tin và truyền thông ước đạt 887.398 tỷ Việt Nam đồng, tăng 1,34% so với năm 2022; Tổng số lao động toàn ngành năm 2023 ước khoảng 1.767.766 lao động, tăng 2,72% so với năm 2022.
Riêng doanh thu truyền thông đạt ngưỡng 4 tỷ USD cho thấy sự tăng trưởng và tiềm năng của ngành truyền thông trong việc tạo ra giá trị kinh tế. Cũng theo thống kê của Bộ nguồn thu của các cơ quan báo chí trải theo phổ rất rộng từ 200-300 triệu cho đến mức 4-5.000 tỷ Việt Nam đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ chỉ còn khoảng một, hai cơ quan báo chí.
Trong chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt ngày 6/4/2023), một mục tiêu cụ thể được đặt ra là đến năm 2030 các cơ quan báo chí cần tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Như vậy, có thể thấy Chính phủ đã đặt ra vấn đề kinh tế báo chí như là một động lực quan trọng để phát triển báo chí - truyền thông trong thời đại kinh tế số. Muốn tìm ra giải pháp đúng cho sự phát triển kinh tế báo chí - truyền thông, trước tiên phải định nghĩa đúng về khái niệm, đặc điểm, vai trò, tính chất cơ bản của nó.
Cần đánh giá đúng về hiện trạng năng lực, trình độ phát triển của lĩnh vực kinh tế này, tiếp cận cả từ những quy luật kinh tế chung, đồng thời đặt nó trong những yếu tố đặc thù Việt Nam. Trong đó, những phương diện cần làm rõ là:
Sự tập hợp lực lượng sản xuất, tổ chức và phân công lao động trong lĩnh vực này như thế nào?
Sở hữu tư liệu sản xuất đang nổi lên vấn đề gì?
Trình độ công nghệ kỹ thuật và nhu cầu của công chúng trong vai trò người tiêu thụ sản phẩm hàng hóa?
Cấp độ chuyên môn hóa và khả năng liên kết, ảnh hưởng trong khu vực, quốc tế?
Nhìn vào thực tế lĩnh vực báo chí – truyền thông Việt Nam hiện nay có thể thấy có bốn biểu hiện cũng là những đặc trưng căn bản của lĩnh vực này trong kỷ nguyên số. Nhận thức được đúng những biểu hiện này góp phần vào hiểu được xu hướng báo chí – truyền thông, từ đó như đưa ra được lời giải thỏa đáng cho vấn đề kinh tế trong lĩnh vực báo chí.
Tổ chức và phân công lao động báo chí - truyền thông đã đạt mức chuyên sâu
Phân công lao động trong lĩnh vực báo chí - truyền thông ngày càng sâu sắc và theo hướng chuyên môn hoá, đa dạng hóa. Từ đó xóa bỏ tính tự túc, tự cấp, bảo thủ, trì trệ của mô hình hoạt động báo chí - truyền thông theo kiểu khép kín, đẩy nhanh quá trình xã hội hoá sản xuất và lao động.
Tác động của những thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đã và đang là yếu tố thúc đẩy quá trình phân công lao động và chuyên môn hoá báo chí truyền thông lên đến trình độ sâu rộng chưa từng thấy.
Trên thực tế đã hình thành sự phân công giữa các bộ phận như: Đơn vị chuyên nghiên cứu phát triển (ví dụ: các nhà sáng tạo ý tưởng, cung cấp định dạng format chương trình hoặc đổi mới công nghệ quy trình sản xuất); Đơn vị chuyên sản xuất từng linh kiện nội dung (Các công ty media chuyên sản xuất và cung cấp phim tài liệu, các chương trình chuyên đề, phóng sự…), chuyên cung cấp thiết bị (các hãng chuyên bán hoặc cho thuê camera, bàn dựng hậu kỳ, đường truyền tín hiệu, thiết bị lưu trữ, hạ tầng phân phối nội dung số…), hậu cần sản xuất (các công ty thiết bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu…) hoặc kinh doanh dịch vụ (đại lý quảng cáo, vận động tài trợ, dịch vụ truyền thông…).
Liên kết kinh tế giữa các thành tố trong dây chuyền này ngày càng mật thiết, làm tăng cường tính phụ thuộc lẫn nhau, quá trình sản xuất của một thành tố hoàn toàn dung hợp thành một quá trình sản xuất thống nhất. Chuyên môn hoá ngày càng phát triển thì quan hệ hợp tác giữa các công ty, trung tâm, các cơ quan báo chí truyền thông ngày càng mật thiết, hợp tác trao đổi sản phẩm trên thị trường ngày càng bền vững.
Các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất trong lĩnh vực truyền thông đa dạng
Từ trước đến nay, quá trình sản xuất ra một sản phẩm truyền thông là việc không đơn giản cả về mặt vật chất và kỹ thuật. Một trong những nguyên nhân chính nằm ở vấn đề kỹ thuật, thiết bị sản xuất, tư liệu sản xuất của lĩnh vực này luôn đòi hỏi những hệ thống chuyên dụng, công nghệ cao và cần chi phí đầu tư lớn.
Ví dụ như, có doanh nghiệp truyền thông sở hữu một thiết bị chuyên dụng đơn lẻ nhưng cấu hình cao (ví dụ: camera quay phim quảng cáo 4k-8k) có giá trị đầu tư không kém hơn một cơ quan báo điện tử trang bị một hệ thống trường quay nhỏ để thực hiện nội dung nghe nhìn trực tiếp (live stream) v.v..
Với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, điều kiện sống và tích lũy cùng khả năng chi trả cho các sản phẩm dịch vụ báo chí - truyền thông của người dân cũng được tăng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ truyền thông mới đã khiến nhiều thao tác, công việc từ chỗ đòi hỏi thiết bị chuyên dụng đã trở thành phổ biến với thiết bị dân dụng, thậm chí là thứ mỗi cá nhân có thể tự thực hiện được. Máy điện thoại cá nhân có thể quay phim, chụp ảnh, máy tính, laptop có thể xử lý hình ảnh, dựng phim.
Song song với việc các thiết bị truyền thông trở nên phổ cập, lượng thiết bị chuyên dụng cho công nghiệp truyền thông, từ các máy tính, phần mềm, thiết bị ghi hình, dựng phim, thu tiếng, các hệ thống âm thanh, ánh sáng đến nhiều vật tư chuyên dụng ngày càng phổ biến tới khắp các hệ thống, trung tâm sản xuất, doanh nghiệp ở quy mô khác nhau. Từ đó, sở hữu tư liệu sản xuất nội dung phát sinh tất yếu do yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất cũng như quá trình xã hội hóa nói chung.
Hình thức sở hữu tư liệu sản xuất trong lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở các dạng: sở hữu nhà nước (các cơ quan báo chí trung ương và địa phương), sở hữu tập thể (của các nghiệp đoàn, hội nhóm, xuất phát từ các cá nhân tự nguyện tham gia đóng góp), sở hữu hỗn hợp (liên doanh liên kết, phối hợp xã hội hóa giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức ngoài quốc doanh) và sở hữu tư nhân (mô hình sản xuất nhỏ hoặc sở hữu tư bản).
Cho đến nay, Việt Nam chưa thể thống kê đầy đủ giá trị sở hữu tư liệu sản xuất của các lực lượng kinh tế ngoài quốc doanh, nhưng thông qua mối liên hệ giữa khả năng tổ chức thưc hiện các sản phẩm truyền thông chất lượng cao với số lượng - chất lượng - chủng loại trang thiết bị tư liệu sản xuất có thể nhận diện được mức độ này tương đối xác thực.
Tính đến thời điểm hiện tại, các cơ quan truyền thông ở Việt Nam đã đạt tới trình độ sản xuất các tác phẩm nghe nhìn theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, từ các video clip, các chương trình gameshow theo bản quyền và định dạng truyền hình phương Tây, phim dài tập, các chương trình sự kiện quy mô lớn như thi hoa hậu quốc tế, thi đấu thể thao, các sự kiện văn hóa...
Sự phát triển kỹ thuật - công nghệ mới và nhu cầu hưởng thụ tạo áp lực lớn đối với cơ quan báo chí - truyền thông
Sự phát triển của công nghệ truyền thông số với những tính năng, công nghệ vượt xa so với “sự hình dung thông thường”, các thiết bị kỹ thuật với nền tảng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối số (internet of things)... ngày một hiện đại không chỉ đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng sống của người dân, mà còn là một động lực quan trọng kích thích sự phát triển của thị trường báo chí - truyền thông cả về quy mô, giá trị sản phẩm, lưu thông hàng hóa và tính thanh khoản ngày một cao.
Sự phân công lao động đã đạt mức chuyên sâu và trao đổi trong lĩnh vực báo chí - truyền thông dần hướng tới mức độ liên kết, ảnh hưởng sâu rộng ở phạm vi khu vực và quốc tế
Xu hướng toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, lôi cuốn và ảnh hưởng đến tất cả quốc gia và thị trường ở khắp các châu lục trên thế giới, nói theo cách khác là vào một “thế giới phẳng”.
Một trong những yếu tố của quá trình toàn cầu hóa là sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc, trong đó có sự thâm nhập các sản phẩm nghe nhìn ở nhiều dạng thức khác nhau.
Không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc của các sản phẩm báo chí - truyền thông thế giới trên tất cả các thể loại, loại trừ những yếu tố mang tính độc hại, phản văn hóa - phi chính trị thì rất nhiều sản phẩm nghe nhìn quốc tế đã là món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân Việt Nam.
Quá trình giao lưu, hợp tác quốc tế quốc tế ngày một rộng đã mở cánh cửa để công chúng truyền thông tiếp cận được với nhiều sản phẩm đa dạng, đồng thời cũng là động lực phát triển để phá vỡ tính khu biệt, nhàm chán của hệ thống nội dung thông tin còn khu biệt trước đây.
Nhiều sản phẩm báo chí truyền thông không chỉ thực hiện theo cách áp dụng công nghệ nước ngoài, định dạng nước ngoài mà còn tiếp cận đến việc chia tách từng quy trình sản xuất tiền kỳ - hậu kỳ ra nhiều hệ thống trong và ngoài nước nhằm đạt chất lượng và hiệu quả kinh doanh cao nhất.
Phân công lao động và trao đổi ở phạm vi quốc tế đã trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường truyền thông Việt Nam, đặc biệt là từ những năm đầu thế kỷ 21.
Quá trình giao lưu tiếp xúc là những dấu hiệu tích cực cho nền báo chí – truyền thông ở Việt Nam hiện nay, tuy nhiên trên thực tế bức tranh kinh tế báo chí - truyền thông trong nước còn có những yếu tố đặc thù.
Trước tiên, nó thể hiện ở một số khía cạnh, thị trường báo chí truyền thông Việt Nam chưa thể hiện rõ nét và phát huy tối ưu các nhân tố của cơ chế thị trường: vì một nền kinh tế muốn vận hành được thì trước tiên phải dựa vào thị trường có nghĩa là phải dựa vào bộ máy tự động của cả cung, cầu, giá cả hàng hoá, với môi trường cạnh tranh, động lực là lợi nhuận.
Các bộ phận hợp thành cơ chế thị trường này có mối quan hệ mật thiết với nhau, như là những khâu trong guồng máy. Giá cả là cái nhân của thị trường, cung cầu là trung tâm và cạnh tranh là linh hồn là sức mạnh của thị trường. Để hiểu rõ hơn các thành tố hợp thành cơ chế thị trường, cần tìm hiểu những khái niệm liên quan như:
Cầu hàng hóa: Là số lượng hàng hóa hay dịch vụ báo chí - truyền thông mà người mua có khả năng và sẵn sàng mua ở các mức giá khác nhau trong cùng một thời gian đã xuất hiện và ngày một gia tăng.
Nhu cầu của công chúng luôn thay đổi, phát triển theo thời gian, họ không thể bó buộc việc thụ hưởng thông tin vào khuôn khổ năng lực hạn hẹp và nhiều năm tháng không thay đổi của bộ phận báo chí - truyền thông làm theo kế hoạch mục tiêu.
Cung hàng hóa: Là số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà người bán (các cơ quan báo chí, các cơ quan báo chí truyền thông, các tổ chức và cá nhân trong nước và quốc tế) có khả năng và sẵn sàng bán ở các mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định.
Trên thực tế các cơ quan báo chí sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước, nhiều nội dung theo cơ chế cố định, không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu và sở thích của công chúng.
Sản phẩm truyền thông và cơ quan truyền thông được giới hạn theo không gian địa lý (tỉnh - thành phố) trước đây nay không còn phù hợp phát triển với tính chất, đặc điểm của truyền thông số.
Giá cả: Là yếu tố phản ánh quan hệ cung cầu về các sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ báo chí - truyền thông cụ thể. Giá thành sản phẩm truyền thông không phản ánh hết chi phí sản xuất, bởi đã có sự trợ giá từ ngân sách cho các nhiệm vụ tuyên truyền, truyền thông chính sách.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân làm sản phẩm truyền thông phải tự “bơi” và cần tính toán đến giá bán trong sự so sánh với chi phí sản xuất và vấn đề lợi nhuận.
Cạnh tranh: Là sự chạy đua giữa các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức kinh tế trong việc tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ báo chí - truyền thông, nhằm thu lợi nhuận cao nhất.
Đây là một tất yếu của nền kinh tế thị trường và cũng là yếu tố cơ bản để hình thành thị trường truyền hình. Sức cạnh tranh này bị suy giảm, triệt tiêu với sự tồn tại nguồn ngân sách báo cấp cố định.
Tiền tệ, giá trị: Là sự đo lường và biểu hiện giá trị của các sản phẩm báo chí - truyền thông. Lao động báo chí - truyền thông, sản phẩm báo chí - truyền thông với đặc trưng của hình thức lao động “sáng tạo” cần được đo lường, và thanh toán bằng tiền tệ và với biến động của thị trường.
Lợi nhuận: Với thị trường báo chí - truyền thông, lợi nhuận là khoản thu được của các cơ quan sau khi trừ đi chi phí sản xuất, thuế,... và trở thành một trong những động lực chi phối hoạt động của người kinh doanh.
Lợi nhuận đưa các cơ quan báo chí - truyền thông đến các lĩnh vực sản xuất thu hút người tiêu dùng (là công chúng truyền thông).
Lợi nhuận cũng là yếu tố khiến các cơ quan báo chí - truyền thông quan tâm đến việc sử dụng kỹ thuật sản xuất hiệu quả nhất.
Khi xuất hiện 4 vấn đề: sản xuất cái gì? sản xuất như thế nào? sản xuất cho ai? thu lợi ra sao? thì đó cũng là lúc thị trường báo chí - truyền thông hoàn thiện được mục tiêu kinh tế của mình.
Tuy nhiên với các cơ quan báo chí, mục tiêu chính trị mới là yêu cầu tối quan trọng, thật khó có thể cùng một lúc hài hòa được cả hai mục tiêu này. Nếu đã không đặt mục tiêu lợi nhuận thì người đặt hàng (cơ quan chủ quản) buộc phải có chính sách hỗ trợ tối đa cho những hoạt động dịch vụ công, nhưng thực tế đó chưa phù hợp.
Đã đến lúc phải coi báo chí là một ngành kinh tế, các sản phẩm báo chí là hàng hóa đặc thù, cơ quan báo chí có cơ chế hoạt động như doanh nghiệp. Lãnh đạo cơ quan báo chí phải tư duy theo hướng tờ báo của mình là một công ty trong ngành công nghiệp tin tức, và phải tìm được mô hình kinh doanh hiệu quả cho tòa soạn mới có thể giải quyết triệt để và tạo ra nguồn sinh khí mới cho kinh tế báo chí Việt Nam hiện tại và trong thời gian tới.
* Phần 2: Điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam
Ngày 14/6, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo điện tử VietNamNet (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên của cộng đồng báo chí Việt Nam mang tên “Diễn đàn báo chí tháng 6”- lần thứ ba (năm 2024), do Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo điện tử VietNamNet và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đồng chủ trì.
Hội thảo được tổ chức trong 1 ngày làm việc, với 3 phiên họp, thảo luận.
Sáng 15/3, Diễn đàn báo chí toàn quốc (trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024) tiếp tục phiên thảo luận thứ 9 với chủ đề: “Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo”.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, truyền thông chính sách là cơ hội để báo chí tăng nguồn thu. Nhưng báo chí cần nâng mình lên để nhận được sự quan tâm nhiều hơn, trong tình hình có nhiều phương thức truyền thông cạnh tranh khác.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ Nhân dân thực hiện đường lối, chính sách...