Vấn đề chi lương, thưởng cũng như biên chế của cán bộ công đoàn chuyên trách được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) vào ngày 18/6.
Hưởng lương từ doanh nghiệp, cán bộ công đoàn có dám lên tiếng bảo vệ người lao động?
Nhấn mạnh tổ chức công đoàn tại các công ty, doanh nghiệp là bảo vệ quyền lợi của người lao động tại công ty, doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) bày tỏ hết sức quan tâm đến việc tiền lương và các chi phí trả cho cán bộ công đoàn tại đây lại do chính chủ công ty, doanh nghiệp (người sử dụng lao động) đó chi trả.
“Vậy vấn đề đặt ra là cán bộ công đoàn ở trong công ty, doanh nghiệp đó có thực sự dám lên tiếng bảo vệ người lao động khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm hay không? Thực tiễn thời gian qua, chúng ta đã thống kê được có bao nhiêu vụ việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại các công ty, doanh nghiệp mà tổ chức công đoàn tại đây đã đứng ra đại diện bảo vệ được cho người lao động hay chưa? Hiệu quả như thế nào?”, ông Thông nêu hàng loạt vấn đề.
Đại biểu đề nghị nên lấy kinh phí từ công đoàn cấp trên để chi trả tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác đối với cán bộ công đoàn chuyên trách ở các công ty, doanh nghiệp.
Việc này để cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại công ty, doanh nghiệp đó.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng) ủng hộ quy định việc tăng quyền chủ động của tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ.
“Theo tôi, quy định này là phù hợp bởi vì việc sửa đổi, bổ sung quy định giao quyền cho Tổng liên đoàn Lao động chủ động đề xuất số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống, tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn, khắc phục tình trạng cào bằng trong phân bổ biên chế”, ông Minh nói.
Theo đại biểu đoàn Đà Nẵng, việc phân bổ biên chế đi đôi với việc cân đối nguồn lực tài chính, bảo đảm chi hành chính, chi cho hoạt động công đoàn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công đoàn.
Đồng thời, việc này còn nâng cao trách nhiệm trong quản lý biên chế; quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ công đoàn.
“Nhằm tránh “công chức hóa” cán bộ công đoàn và “hành chính hóa” hoạt động công đoàn, việc giao quyền chủ động cho Tổng liên đoàn Lao động quyết định số lượng cán bộ công đoàn là lao động hợp đồng trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở nhằm bảo đảm sự chuyển động linh hoạt trong phân bố cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong từng giai đoạn, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức công đoàn”, đại biểu Nguyễn Duy Minh phân tích.
Doanh nghiệp 1.000 lao động trở lên nên có ít nhất 1 cán bộ công đoàn chuyên trách
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm và quyền hạn của công đoàn cơ sở. Bởi vì công đoàn cơ sở có một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động hệ thống công đoàn, là nơi trực tiếp triển khai, cụ thể hoá các nghị quyết, chiến lược.
Ông nêu thực tế cho thấy hoạt động công đoàn cơ sở thời gian vừa qua có nhiều lúng túng, kém hiệu quả, vị thế, tiếng nói của công đoàn trong doanh nghiệp còn mờ nhạt.
Trong các nguyên nhân của tình trạng này, ông Thường chỉ rõ việc chưa có quy định pháp luật cụ thể rõ ràng cho công đoàn cơ sở. Việc quy định chung chung quyền hạn, trách nhiệm cho tất cả các cấp công đoàn và các loại hình công đoàn cơ sở như dự thảo là chưa thật hợp lý và chưa thật khoa học.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần tách riêng trách nhiệm quyền hạn của công đoàn cơ sở ở khu vực công và khu vực tư vì có đặc thù khác nhau. Điều quan trọng hơn là cần cho công đoàn cơ chế thực thi được các quyền và trách nhiệm đó.
“Thực tế hiện nay, công đoàn cơ sở được ví như một cậu bé tí hon nhưng đang khoác trên mình chiếc áo quá lớn. Cán bộ công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp, luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động. Điều này rất khó tạo ra sự bình đẳng”, ông Thường đề nghị cần cụ thể cơ chế này bằng pháp luật để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động.
Trong đó, cần tạo sự độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn.
Từ đó, đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất cho phép sử dụng lao động hợp đồng làm cán bộ chuyên trách công đoàn cơ sở; quy định doanh nghiệp từ 1.000 lao động trở lên có ít nhất 1 cán bộ công đoàn chuyên trách.
Cùng với đó là xây dựng thang lương, bảng lương phù hợp để khuyến khích, thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ từ nguồn tài chính của công đoàn cấp trên.
Giải trình ý kiến của đại biểu về nội dung này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, dự thảo luật quy định theo hướng công đoàn các cấp được đảm bảo về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn. Đồng thời cho phép Tổng Liên đoàn Lao động quyết định số lượng cán bộ chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở.
“Thời gian qua, biên chế của cán bộ công đoàn có rất nhiều bất cập nên chúng tôi đã đề xuất với Ban Chỉ đạo về biên chế của Trung ương một công thức tính trên cơ sở số lượng đoàn viên từng ngành, từng địa phương một”, ông Khang cho hay.
Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị có số lượng cán bộ hợp đồng cho những đơn vị sự nghiệp của công đoàn.
Về ý kiến doanh nghiệp trả lương cho cán công đoàn thì sẽ giảm sút đi tinh thần chiến đấu, bảo vệ trong quan hệ lao động, ông Khang rất mong muốn có cơ chế hợp đồng để có các cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ sở.
“Đặc biệt như TP.HCM mặc dù chưa có hợp đồng nhưng Thành ủy đã cho tổ chức công đoàn 22 biên chế để cử xuống làm chủ tịch công đoàn chuyên trách ở các cơ sở có đông công nhân lao động và quan hệ lao động phức tạp”, ông Khang dẫn chứng.