Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào sáng 14/6, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh, nhìn lại các đại án tham nhũng trong thời gian vừa qua thì mục đích của dự án Luật là chính xác.
Điểm chung của các vụ án tham nhũng là do không công khai cho dân biết
Theo ông Cường, nếu như làm tốt dân chủ cơ sở sẽ tránh được vi phạm phải xử lý như thời gian vừa qua.
“Ví dụ như vụ kit test Việt Á, nếu như thực hiện dân chủ cơ sở, công khai thông tin là nhà nước phải mua của Việt Á với giá như thế và Hải quan cũng công khai thông tin hàng chuyến, hàng tháng Việt Á đã nhập kit test từ Trung Quốc về bao nhiêu, với giá 0,955 USD/test thì chắc chắn không để các địa phương, CDC các tỉnh phải mua giá như giá Việt Á bán”, đại biểu phân tích và kết luận, làm được vậy thì không xảy ra tình trạng hàng loạt vi phạm như thời gian vừa qua.
Đại biểu Hà Nội cũng nêu trở lại vụ của Hà Nội, cựu Chủ tịch UBND TP (Nguyễn Đức Chung) mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước. Vụ việc này nếu như công bố công khai cho người dân biết nước hồ phải xử lý bằng hóa chất này, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho thành phố thì chắc chắn không thể kéo dài từ năm 2016 đến 2020 mới phát hiện sai phạm.
“Qua đó, nếu chúng ta cứ nhìn lại tất cả các vụ án tham nhũng từ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán đấu thầu thiết bị y tế, mua bán tài sản công hoặc kể cả vụ mua bán của MobiFone nếu như so sánh lại thì giống nhau ở điều là tất cả các vụ này đều thực hiện rất đúng các quy trình, có đầy đủ các cơ quan có chức năng định giá tham gia, nhiều người tham gia. Nhưng có điều giống nữa là, không được minh bạch, không được công khai cho người dân biết”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu.
Vì vậy, theo ông, khi sai lầm người dân chỉ nghe thông tin đồn thổi với nhau, không chính thống. Đến lúc sự việc xảy ra thì đồn thổi đó lại thành sự thật.
“Điều đó chứng tỏ nếu chúng ta công khai, cho người dân biết thì tất cả những vụ này đều được ngăn chặn từ trước”, đại biểu khẳng định.
Ông Cường cho rằng, mục tiêu đặt ra là quyền lực của công dân được đảm bảo, đảm bảo công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình như mục tiêu đề ra của Chính phủ.
“Quy chế dân chủ dường như chưa đạt được sứ mệnh, chính vì chưa đạt sứ mệnh, tôi đề nghị khi xây dựng luật thì có bước nâng cao, vượt trội so với Quy chế dân chủ”, đại biểu Hà Nội nói.
Từ đó ông đề xuất 2 ý liên quan tới công khai minh bạch.
Thứ nhất là, công khai thì về nguyên lý những nguồn lực công liên quan tới người dân thì công khai trừ những cái thuộc về bí mật Nhà nước.
“Tôi đề nghị không nên quy định công khai những cái gì, không nên công khai cái gì”, ông nhấn mạnh.
Thực tế cuộc sống thay đổi rất nhiều. Sau này sinh ra cái mới thì phải sửa luật. Vì vậy, nên chọn phương thức loại bỏ, chỉ những cái gì thuộc về bí mật Nhà nước, cấm không công khai thì không còn lại những cái liên quan nguồn lực công, liên quan tới người dân thì công khai.
Thứ 2 là công khai thông tin qua các mạng xã hội, nhiều đại biểu nói rất đúng. Vì hôm nay có zalo, ngày hôm sau có cái khác. Chúng ta quy định như thế thì rõ ràng chúng ta không bao giờ theo kịp sự phát triển của xã hội.
“Tôi đề nghị không nên quy định theo kiểu cụ thể. Chỉ quy định mục tiêu là người quản lý có trách nhiệm lựa chọn phương thức thông tin đảm bảo tối thiểu tỉ lệ bao nhiêu % người dân biết được thông tin, ví dụ như 50%. Còn quy định phải công khai trên kênh này kênh kia thì thực tế nhìn thấy, nhiều đơn vị công khai lên nhưng tôi xin hỏi bao nhiêu người biết”, ông nêu thực tế
Do đó, theo ông Cường nên quy định đầu ra tỉ lệ người được biết chứ không nên quy định cụ thể về phương thức.
Chế định Thanh tra nhân dân là chế định cực kỳ hình thức
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) quan tâm đến các quy định về liên quan đến thanh tra nhân dân.
“Nếu tôi đề nghị không quy định Thanh tra nhân dân nữa thì chắc nhiều ý kiến không tán thành với tôi. Tuy nhiên, tôi thấy rằng chế định Thanh tra nhân dân là chế định cực kỳ hình thức và lâu nay dường như chúng ta bỏ quên chế định này trong Luật Thanh tra. Trong cơ quan, đơn vị có lẽ đến thời điểm này tôi cũng chưa hình dung được trong Văn phòng Quốc hội ai đang là Trưởng ban thanh tra nhân dân. Và địa phương cũng vậy”, ông nêu thực tế.
Đại biểu cho rằng, Thanh tra nhân dân được quy định ở chương 5 của dự thảo luật là đang gắn thanh tra nhân dân với mặt trận tổ quốc và gắn thanh tra nhân dân ở cơ quan đơn vị với công đoàn. Và hoạt động phụ thuộc vào mặt trận vào phụ thuộc vào công đoàn.
“Ở cơ sở xã, phường thị trấn chúng ta có HĐND cũng là cơ quan đứng ra giám sát cơ quan của người dân. Giờ có thêm Thanh tra nhân dân, rồi còn có Ban giám sát đầu tư xây dựng cơ bản nữa, đặc biệt là gắn với 2 cơ cấu rất quan trọng đó là mặt trận và công đoàn thì có cần thiết phải xây dựng nhiều mô hình cơ quan thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra không?”, đại biểu tỉnh Đồng Nai đặt vấn đề.
Ông nhấn mạnh, đó là chúng ta chưa phân biệt được giám sát và kiểm tra ở cơ sở.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc rất kỹ quy định về thanh tra nhân dân. Còn quy định như ở chương 5 thì chưa đầy đủ và sẽ đi vào tình trạng hoạt động rất hình thức.
>>Toàn văn Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà giải trình về dự Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Thu Hằng - Trần Thường