Quốc hội chiều 13/6 thảo luận về Luật Thanh tra (sửa đổi) với hai nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm, đó là có nên thông báo trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho đối tượng được thanh tra và việc giữ lại thanh tra cấp huyện.
ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho biết, thực tế thanh, kiểm tra có thể tạo ra những gánh nặng không cần thiết đối với nhiều doanh nghiệp, khi nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp; có hiện tượng cán bộ lợi dụng công tác để nhũng nhiễu doanh nghiệp hay một số doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra quá mức... Hệ quả, các doanh nghiệp phải dành nhiều thời gian, bỏ dở công việc kinh doanh chỉ để xoay sở với những yêu cầu của cán bộ thanh, kiểm tra.
Vấn đề thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp luôn là chủ đề nóng trong các đối thoại với cơ quan chính quyền.
Tại Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan nhà nước khi tiến hành việc thanh, kiểm tra phải theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan. Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật...
Ông Hiếu dẫn lại các chỉ đạo của Thủ tướng về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho các doanh nghiệp.
Năm 2020, số doanh nghiệp cho biết đã tiếp đón đoàn thanh, kiểm tra trong một số lĩnh vực, như: hải quan, công an kinh tế, môi trường giảm khoảng 50% so với năm 2016. Năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp bị cơ quan thuế thanh kiểm tra là 35,5%, trong khi năm 2016 con số này ở mức 43,6%.
Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra trùng lặp giảm đáng kể từ 25,9% của năm 2015 xuống còn 8,3% của năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc/năm trở lên giảm từ 11,9% của năm 2016, xuống còn 3% của năm 2020.
Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết cán bộ lợi dụng công tác thanh kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm từ con số 18,9% của năm 2017, xuống còn 14,3% của năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra đã giảm đáng kể từ con số 51,9% năm 2017 xuống còn 20% năm 2021.
ĐB đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ về tình hình thanh, kiểm tra doanh nghiệp; từ đó làm cơ sở cho hoàn thiện quy định trong Luật về thanh tra chuyên ngành/thanh tra doanh nghiệp.
Tranh luận về thanh tra theo kế hoạch thì báo trước, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nói, từ thực tế công tác trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm ở TP.HCM bà nhận thấy trong thanh tra phải vừa theo kế hoạch vừa phải đột xuất.
Bà cho rằng: “Trong những lĩnh vực có nhiều vi phạm kéo dài hàng năm liền luôn luôn bị dư luận nhìn vào… tại sao trong báo cáo thanh tra tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp? Chính là vì cách thanh tra theo kế hoạch... Thanh tra theo kế hoạch mà còn báo trước nữa thì người ta sẽ chuẩn bị hết “vở sạch chữ đẹp” để đón tiếp đoàn".
“Tôi nói thẳng với đội ngũ thanh tra của chúng tôi là phải phát huy tất cả mặt mạnh, đặc biệt là phát hiện sai phạm qua thông tin của quần chúng, báo chí, và khi làm phải bất ngờ thì mới thực sự nắm được thực tế ra sao”, nữ ĐB TP.HCM nhấn mạnh.
“Chúng ta sợ đội ngũ thanh tra lạm quyền, lợi dụng chức vụ tiêu cực cho nên vô hình chung “trói tay trói chân” thanh tra”, bà phân tích. Nếu chỉ trông đợi vào thanh tra theo kế hoạch và được báo trước nữa thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ.
“Việc nào ra việc đó! tiêu cực thì phải có cơ chế giám sát của các cơ quan chức năng, của thủ trưởng, phải có đào tạo răn đe, trong trường hợp sai phạm thì xử lý. Không phải vì sợ tiêu cực mà chúng ta lựa chọn cách dễ nhất là đến hẹn lại lên mỗi năm có thông báo trước với doanh nghiệp tới ngày đó, giờ đó đến thanh tra”, bà Lan tranh luận.
Có xu hướng "vũ trang hóa" trang phục thanh tra
Cho ý kiến về hệ thống thanh tra, ĐB Trương Xuân Cừ (Hà Nội) đồng tình với dự thảo luật giữ lại thanh tra cấp huyện, tuy nhiên ông băn khoăn rằng, có nhất thuyết huyện nào cũng cần có thanh tra không.
Ông cho biết, trong 705 đơn vị hành chính cấp huyện thì các quận, huyện ở thành phố, thị xã khác biệt rất xa so với nhiều huyện miền núi, từ quy mô, tính chất trong quản lý nhà nước... Ông dẫn chứng, có một quận ở Hà Nội thu năm 2021 là 12.000 tỉ, trong khi đó một huyện miền núi thu trên địa bàn 15 tỉ, khác biệt nhau rất lớn.
Nếu cứ xác định đơn vị hành chính cấp huyện đều phải có thanh tra là chưa nhất quán.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra từ 2010 đến nay, báo cáo của Thanh tra Chính phủ, nhận xét hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra cấp huyện còn hạn chế, nhiều bất cập, tổ chức biên chế không phù hợp.
Tranh luận lại với ĐB Cừ, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng việc xác định tiêu chí thu ngân sách cấp huyện để xem có hay không tổ chức thanh tra cấp huyện cần đánh giá thật kỹ.
Thực tế chỗ nào có cơ quan quản lý, cấp quản lý chỗ đó có thanh tra, cấp huyện là cấp quản lý nhà nước nên có cơ quan thanh tra là hợp lý.
Ông An cũng khẳng định, thanh tra không chỉ thực hiện nhiệm vụ thanh kiểm tra mà còn thực hiện nhiệm vụ khác, ví dụ như tiếp công dân, giải quyết tố cáo, là thường trực của cơ quan phòng chống tham nhũng, giải quyết vấn đề về đất đai,…
Đặc biệt xu hướng gần đây việc tăng giải quyết tố cáo cấp cơ sở, cấp xã, cấp huyện rất lớn.
Do đó nếu chúng ta xác định tổ chức lại thanh tra cấp huyện theo tiêu chí thu ngân sách hay không, ĐB An cho rằng cần đánh giá lại.
Khi theo dõi lực lượng thanh tra và các lực lượng khác về trang phục, ĐBQH nhận thấy thấy sự lạm dụng trang phục lực lượng vũ trang áp dụng cho cơ quan công quyền, đặc biệt trong ngành thanh tra.
Ông An dẫn ví dụ trang phục của một chánh thanh tra cấp bộ thì có quân hàm đeo giống hệt Thiếu tướng công an. Ông đề nghị rà soát lại trang phục của lực lượng thanh tra, kiểm lâm, quản lý thị trường, kiểm toán… khi đang xu hướng vũ trang hóa trang phục các lực lượng này.
Trần Thường