Khi một bộ phận nào có trên xe sắp có vấn đề, chúng thường đưa ra những dấu hiệu cảnh báo. Nếu bỏ qua những cảnh báo này, đây có thể là một việc làm đầy rủi ro. Với hệ thống phanh ô tô- một bộ phận rất quan trọng cho sự an toàn của người lái thì càng cần được quan tâm tuyệt đối các dấu hiệu hư hỏng. Khi đạp phanh mà nghe thấy những âm thanh như tiếng vù vù hoặc tiếng rít, người dùng xe cần lưu ý các vấn đề sau:

Hard Brake Pedal Intermittent.jpg
Đừng bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo nếu ấn phanh tạo ra những tiếng vù vù hoặc tiếng rít. Ảnh: Safetybrakeandclutch

Có không khí trong ống dẫn dầu phanh

Không khí trong ống dẫn dầu phanh thường vô hại nhưng lại là thủ phạm có thể gây ra những tiếng kêu rít hoặc vù vù khi đạp phanh. Người dùng cũng có thể cảm nhận được hành trình phanh lớn hơn khi muốn giảm vận tốc của xe.

ong dan dau.jpg
Rò rỉ ống dẫn dầu phanh. Ảnh: Bestenftet

Má phanh bị mòn

Nếu bạn bắt đầu nhận thấy lực phanh giảm, tiếng kêu lớn khi phanh hoặc hành trình bàn đạp phanh tăng lên để dừng thì rất có thể má phanh đã mòn quá nhiều. Điều này tạo ra những khe hở giữa má phanh và đĩa phanh dẫn đến tạo ra những âm thanh vù vù.

Nếu đúng như vậy, đã đến lúc người dùng phải thay má phanh. Việc để má phanh mòn dưới mức tối thiểu có thể khiến đĩa phanh và cùm phanh bị hư hỏng và việc sửa chữa sẽ tốn kém hơn rất nhiều.

how long brake pads last.jpg
Má phanh bị mòn. Ảnh: Cartreatments

Bầu trợ lực phanh bị nứt

Bầu trợ lực phanh có vai trò khuếch đại lực đạp chân phanh ô tô. Nhờ có bầu trợ lực phanh mà người lái ô tô sẽ không tốn nhiều sức khi nhấn bàn đạp phanh. Tuy nhiên, nếu lớp vỏ bên ngoài bị nứt hoặc màng ngăn bên trong bị hỏng, việc tạo áp suất thủy lực không được đạt chuẩn.

Khi đó, hệ thống phanh xe sẽ dựa vào toàn bộ sức mạnh từ chân. Với việc dùng lực đạp lớn, luồng không khí thổi vào qua phớt xi-lanh chính hoặc qua ống dẫn dầu cũng có thể tạo ra tiếng rít. 

bad brake booster symptoms.jpg
Bầu trợ lực phanh bị vỡ, nứt. Ảnh: Cartreatments

Cách kiểm tra và khắc phục

Để có thể xác định tiếng ồn vù vù mỗi khi phanh, người dùng có thể sử dụng các phương pháp kiểm tra sau:

- Kiểm tra mức dầu trong bình chứa dầu phanh.

- Tìm kiếm các vết bẩn hoặc ẩm ướt được tạo ra có bị rò rỉ ở ngàm phanh (yên phanh), ống dẫn dầu phanh hoặc các điểm bên dưới xe.

- Tìm kiếm các dấu hiệu hư hỏng bên ngoài hoặc rỉ sét ở các bộ phận phanh.

- Ấn bàn đạp phanh để kiểm tra độ sâu của hành trình phanh.

- Nghe tiếng ồn phát sinh từ một khu vực bánh xe nào đó hay đồng đều trên toàn các bánh.

Khi nguyên nhân đã được tìm ra, người dùng hãy thực hiện các bước chủ động để bảo trì hệ thống phanh và ngăn ngừa các sự cố lặp lại liên quan đến bộ phận này. Các nhà sản xuất thường khuyến nghị định kỳ 6 tháng kiểm tra một lần hoặc sau mỗi 10.000-15.000km thì kiểm tra phanh.

W-20230327_132231.jpg
Người dùng cần kiểm tra định kỳ hệ thống phanh theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ảnh: Ngô Minh

Khi độ dày của má phanh trên xe còn dưới 3mm, người dùng nên thay má phanh để đảm bảo độ ma sát khi phanh. Thay dầu phanh theo lịch trình, từ 2-3 năm mỗi lần để ngăn ngừa sự ô nhiễm trong đường dẫn dầu phanh. Khi có các rò rỉ dầu phanh, tiếng ồn hay rung động khi phanh, phải xử lý ngay lập tức vì sửa chữa nhỏ bao giờ cũng rẻ hơn so với việc thay thế toàn bộ bộ phận sau này.

Ngoài ra, người dùng nên có thói quen sử dụng phanh hợp lý như không đạp phanh khi không cần thiết tránh gây quá nhiệt, để phanh nguội trước khi rửa xe hay không phanh gấp liên tục hoặc về N, rà phanh khi đổ đèo. Hãy nhớ đừng bỏ qua những cảnh báo và việc giải quyết vấn đề sớm sẽ giúp người dùng tiết kiệm chi phí và giảm thiểu rủi ro mất an toàn.

(Tổng hợp)

Bạn có kinh nghiệm và mẹo vặt gì trong sử dụng, sửa chữa ô tô? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!