Mời xem lại bài 1: Nền kinh tế đang đầy khó khăn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát
Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Ứng xử với thị trường bất động sản
Nhưng thưa ông, thị trường bất động sản cũng có cái lý của nó theo nghĩa tạo ra công ăn việc làm thật. Hơn nữa, mật độ dân số của ta thì đông…
Nói thị trường bất động sản là nói phân khúc nào, không nói chung chung được. Khi nói tới vướng mắc trên thị trường bất động sản, thực chất là chúng ta đang đề cập tới bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, rồi phân khúc nhà ở thương mại giá cao. Trong khi đó thị trường bất động sản còn có nhiều loại khác như bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê…
Ngoài ra còn nhiều phân khúc bất động sản đang bị bỏ ngỏ, như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…Xin đặt câu hỏi, trên thế giới có tỷ lệ công nhân mua được nhà là bao nhiêu? Khi đã sở hữu nhà rồi thì còn đâu quá trình dịch chuyển lao động? Trong khi đó, phần quan trọng nhất là chế độ lương trong thị trường lao động thì chúng ta không nói. Nhà nước áp lương cơ bản làm méo mó thị trường lao động, méo mó tiền lương để phát triển các thị trường khác như nhà ở.
Ông vừa nhắc đến bất động sản nghỉ dưỡng. Khu vực này được ước tính đang đọng 30 tỷ đô la và cũng đang rất khúc mắc về luật pháp?
Trước hết cần nhìn nhận một cách sòng phẳng. Chính phủ không bắt ép doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này, cũng không hứa hẹn sẽ có ưu đãi hay khuyến khích gì, mà là doanh nghiệp tự nhận định rằng, lĩnh vực này có triển vọng và đầu tư vào trong bối cảnh cơ chế, chính sách còn chưa hoàn thiện.
Như vậy, Luật đã quy định rồi và vướng mắc ở đâu cũng rõ rồi, nhưng doanh nghiệp vẫn cố làm rồi tạo sức ép ngược khi có trục trặc. Trước đây, trong giai đoạn thuận lợi, họ có lợi nhuận cao thì bây giờ doanh nghiệp cần chia sẻ bớt lợi nhuận, chia sẻ bớt rủi ro. Chẳng hạn, có những doanh nghiệp đã bán shophouse ở Quảng Ninh và bây giờ phải trả lại tiền cho người mua. Đất công không qua đấu giá là sai, nếu không trả lại, doanh nghiệp sẽ vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng có những vướng mắc thuộc trách nhiệm của Nhà nước thì Nhà nước cũng cần tháo gỡ; còn những việc nào thuộc doanh nghiệp bất động sản thì họ phải giải quyết, Nhà nước chỉ hỗ trợ.
Cứu hay không cứu trái phiếu doanh nghiệp
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, có vẻ như cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành đang cần bàn tay nhà nước. Ông có quan điểm như thế nào?
Theo tôi, cần phân loại trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thành 3 loại: Doanh nghiệp phát hành đúng và có khả năng chi trả thì doanh nghiệp và trái chủ tự hoạt động với nhau; Doanh nghiệp phát hành tuân thủ đúng quy định hiện hành nhưng do bối cảnh kinh tế vĩ mô thay đổi, làm mất tính thanh khoản thì Nhà nước hỗ trợ; Doanh nghiệp cố tình phát hành sai thì số này phải bị xử lí.
Ở nhiều nước, các chính trị gia sẽ có đối thoại với các doanh nghiệp phát hành nhiều nhất về trái phiếu riêng lẻ để lắng nghe, nắm hết tình hình trước khi ra quyết sách.
Gần đây Hàn Quốc có chương trình 35 tỷ đô mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Chúng ta có thể học được gì từ đó hay không, thưa ông?
Chúng ta thấy hầu hết trái phiếu do doanh nghiệp Hàn Quốc phát hành hoàn toàn đúng quy định của Chính phủ Hàn Quốc. Tuy nhiên, do lạm phát, giá năng lượng lên cao, tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và phân hoá địa chính trị toàn cầu nên các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thì Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ.
Các doanh nghiệp bất động sản rất ít, còn các doanh nghiệp phát triển chip là phát hành trái phiếu lớn nhất. Đùng một cái, Mỹ ra luật về chip làm tất cả những doanh nghiệp chip rút về Mỹ đầu tư, khiến các doanh nghiệp sản xuất chip của Hàn Quốc lao đao. Chính phủ Hàn Quốc mua lại trái phiếu đó để tham gia vào bốn doanh nghiệp sản xuất chip lớn nhất để giữ lại quyền đàm phán chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Chỉ trong 5 ngày Chính phủ Hàn Quốc quyết định chi 35 tỷ đô la.
Tôi cho rằng, ở nước ta nếu muốn cứu phải làm nhanh, trước khi cứu phải phân loại 3 loại trên chứ không cứu tràn lan. Trong bối cảnh này, không nên hậu kiểm các công ty phát hành vì hậu kiểm là gây mất niềm tin của thị trường là còn nguy hại hơn nhiều.
Bộ Tài chính cần đánh giá và phân loại các doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn trong quý IV năm 2022 và 2023 dựa trên đánh giá triển vọng kinh doanh và khả năng trả nợ lãi trái phiếu đến hạn. Đối với doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp tục theo dõi việc doanh nghiệp tự thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà đầu tư. Với các nhóm không có năng lực để thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà đầu tư trái phiếu; có hành vi sản xuất kinh doanh gian dối trên thị trường, thì cơ quan quản lý nhà nước tiến hành xử lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Còn với nhóm doanh nghiệp tạm thời bị hạn chế năng lực tài chính để thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà đầu tư trái phiếu, hay chỉ hoàn trả được một phần trái phiếu đến hạn, nhưng vẫn có khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả trong trung hạn trở đi thì cơ quan quản lý cân nhắc biện pháp hỗ trợ. Cần xem xét cơ chế cho các doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua trái phiếu của các doanh nghiệp vẫn có khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nhưng gặp khó khăn hiện tại từ các nhà đầu tư hiện hữu là cá nhân theo phương án phát hành trái phiếu của SCIC, DATC và VAMC để hoán đổi cho nhà đầu tư và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp. Hiện nay Nhà nước tuyên bố sử dụng nguồn lực để can thiệp sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ để nhà đầu tư trái phiếu yên tâm và có thể lựa chọn có tiếp tục đầu tư trái phiếu hay không. Về lâu dài, Nhà nước đạt được 2 mục tiêu là tham gia tái cấu trúc để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hồi phục và kiểm soát được tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, tránh việc tẩu tán, thất thoát như nhiều người lo ngại. |
Lan Anh