Hãng Bloomberg và RT đưa tin, tàu chở dầu Primorsky Prospect, lớp Aframax, chở khoảng 730.000 thùng dầu Urals, đã rời cảng Ust-Luga ở vùng Baltic của Nga vào ngày 11-12/7.
Theo dữ liệu theo dấu tàu, tàu Primorsky Prospect, được đóng vào năm 2010 của công ty vận tải Nga Sovcomflot sẽ tới thành phố Nhật Chiếu của Trung Quốc vào ngày 12/8. Đây là một trong số ít tàu chở dầu có thể theo dõi được đường đi.
Một lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với xuất khẩu dầu thô bằng đường biển kèm theo mức giá trần áp đặt với các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga, đã châm ngòi cho một cuộc cải tổ toàn cầu về nguồn cung dầu. Năm ngoái, chỉ trong vòng vài tháng, Nga đã định tuyến lại hầu hết dòng chảy dầu mỏ của nước này tới EU và các thị trường châu Á. Moscow đã tăng cường vận chuyển dầu tới Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, việc chuyển dầu tới các địa điểm mới khiến thời gian giao hàng lâu hơn vì đường xa hơn và làm cước vận chuyển trở nên đắt đỏ hơn.
Việc sử dụng Tuyến đường biển phía bắc (NSR) có thể rút ngắn hành trình tới 2 tuần, hoặc khoảng 30% thời gian, so với tuyến đường phía nam qua Địa Trung Hải và Kênh đào Suez. Nga muốn NSR, chạy qua biển Bắc Cực và là tuyến đường biển ngắn nhất giữa Đông Á và châu Âu, trở thành tuyến đường vận chuyển chính.
Hiện nay, công ty năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga, công ty có một đội tàu phá băng hạt nhân và đang vận hành NSR, cùng với các nhà sản xuất dầu đang nghiên cứu khả năng chuyển hướng các chuyến hàng dầu thô từ các cảng Baltic qua Bắc Cực.
Tuyến đường Bắc Cực không thể sử dụng vào mùa đông do băng dầy. Tuy nhiên, công ty sản xuất khí tự nhiên lớn thứ hai của Nga là Novatek có kế hoạch bắt đầu vận chuyển theo hướng đông quanh năm qua Tuyến đường biển Bắc Cực vào đầu năm 2024. Novatek là công ty vận hành các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên bờ biển Bắc Cực của Nga.