Theo Guardian, trong ngày 27/9, truyền thông Nga thông báo, các cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nga ở 4 vùng Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia đã hoàn tất sau 5 ngày. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy, hơn 96% cư dân ủng hộ việc sáp nhập.
Cụ thể, 28% số phiếu đã kiểm ở Kherson cho thấy 97,05% người dân ủng hộ sáp nhập Nga. Kết quả kiểm 29% phiếu ở Zaporizhzhia, 97,79% cử tri ở đây ủng hộ kế hoạch này. Tại vùng Donetsk, tỷ lệ ủng hộ là 98,35% sau kiểm 22% phiếu. Tỷ lệ ủng hộ sáp nhập ở Lugansk là 97,83% với 21% phiếu đã kiểm.
Kết quả kiểm phiếu đầy đủ có thể được công bố trong vài ngày tới. Nếu đủ phiếu thuận, quốc hội Nga có thể thông qua tiến trình sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.
Mỹ cam kết ủng hộ chủ quyền của Ukraine
Theo CNN, trong ngày 27/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ không công nhận cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập của Nga, đồng thời tái khẳng định cam kết ủng hộ Ukraine.
"Rất rõ ràng, Washington sẽ không bao giờ công nhận cuộc trưng cầu sáp nhập đó. Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ nhanh chóng bổ sung các lệnh trừng phạt với Nga. Về phía Ukraine, họ vẫn sẽ làm điều tiếp tục cần phải làm, là lấy lại những phần lãnh thổ đã bị chiếm đoạt. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho Kiev mọi sự hỗ trợ cần thiết để làm điều này", ông Blinken nói.
Tổng thống Ukraine nói cuộc trưng cầu sáp nhập của Nga xóa tan mọi triển vọng đàm phán
Theo Pravda, trong ngày 27/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, nếu Nga sử dụng kết quả bỏ phiếu "giả mạo" để sáp nhập thêm bất kỳ phần lãnh thổ nào, khả năng đối thoại giữa 2 bên sẽ chấm dứt.
Trung Quốc đề nghị phương Tây giới hạn việc trừng phạt Nga
Theo Reuters, trong ngày 27/9, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo, việc gia tăng các biện pháp trừng phạt với Nga sẽ không mang lại kết quả tích cực nào. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Mỹ kêu gọi lên án Nga vì trưng cầu sáp nhập ở các khu vực của Ukraine.
"Cuộc đối đầu giữa các khối, sự cô lập chính trị, các lệnh trừng phạt và áp lực sẽ chỉ dẫn đến một ngõ cụt", Đại sứ Trương nói.
Việt Dũng