Tuy nhiên, Nga đã dự phòng cho tình huống xấu nhất từ vài năm qua. Năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký Đạo luật Internet chủ quyền, cho phép chính phủ quyền kiểm soát lớn hơn với nội dung trên Internet, cũng như chống lại các nguy cơ đối với sự ổn định và an toàn của Internet trong nước. Gần đây nhất, mùa hè năm 2021, Nga đã tự ngắt kết nối với Internet để thực hiện bài kiểm tra trên Runet, một mạng cục bộ ra đời với mục đích phục vụ các trang web trong trường hợp bị tấn công mạng hay cố ý ngừng hoạt động.
Mỹ có thể tắt Internet của Nga?
Hạ tầng Internet khổng lồ và phức tạp, vì vật ngắt hoàn toàn một nước ra khỏi Internet không phải chuyện dễ. Dù vậy, một số nước dễ bị tổn thương hơn các nước khác. Năm 2012, một công ty theo dõi web có tên Renesys đã sử dụng số nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) của mỗi nước làm proxy để xác định cô lập Internet dễ hay khó. Theo đó, Greenland, Mali và Turkmenistan tương đối “mong manh”, trong khi Nga, Mỹ hay Canada đều có khả năng chống chọi với các sự cố gián đoạn.
Tuy nhiên, Jim Cowie, đồng sáng lập Renesys và nay là Nhà khoa học dữ liệu trưởng tại DeepMacro, cho biết có thể có “sự tập trung tiềm ẩn”. Chẳng hạn, Nga có thể có 20 ISP nhưng lưu lượng của họ đều di chuyển qua cùng tuyến cáp quang, vì vậy nhằm vào tuyến cáp sẽ khiến mọi thứ đều tê liệt. Nói đến trừng phạt, những biện pháp như vậy đã được thảo luận nhưng không đi tới đâu. Theo truyền thống, có những yếu tố bị loại bỏ trong các lệnh trừng phạt vì lý do nhân đạo. Đó là lý do vì sao trong quá khứ, chúng ta không bao giờ nhằm vào dịch vụ điện tín hay bưu điện, điện thoại, ông Cowie nói thêm. Lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ ngày 21/2 cũng miễn trừ dịch vụ viễn thông.
Sau phép thử Runet năm 2021, quan chức Nga khẳng định đã “sẵn sàng cho bất cứ điều gì”.
Nga muốn phát triển Internet có chủ quyền của riêng mình
Khái niệm “Internet có chủ quyền” không hề lố bịch, song trong một quốc gia với sự đa dạng Internet – nhiều ISP, người dùng, kết nối – sẽ mất rất lâu để hình thành. Một chính phủ cũng phải chắc chắn rằng không có “bất cứ thứ gì thiết yếu phụ thuộc vào Internet toàn cầu. Chẳng hạn, website dịch vụ công lưu trữ trên máy chủ đám mây đặt tại London”.
Theo Karen Kazaryn, Giám đốc Viện nghiên cứu Internet tại Moscow, Nga tiến hành bài kiểm tra cô lập Internet đầu tiên vào năm 2017. Quy trình tuần tự ngắt kết nối các hãng viễn thông và ISP khỏi Internet toàn cầu. Nếu các máy chủ Internet lớn được chỉ thị ngừng phục vụ các trang web tên miền .ru, các công ty Nga phải sẵn sàng phục vụ với độ trễ thấp nhất. “Nga muốn lưu trữ không chỉ bản thân trang web mà thông tin về địa điểm đặt các trang web”. Nó giống như tái tạo hạ tầng Internet thông qua back-up, sử dụng máy chủ địa phương.
Theo hiểu biết của Cowie, Nga chỉ mới ngắt kết nối Internet theo giai đoạn, thay vì ngắt hoàn toàn.
Luật Internet chủ quyền có hiệu lực từ tháng 11/2019. Có hai nội dung đáng lưu ý: một là, luật cho phép tạo ra hệ thống tên miền thay thế (DNS) để trong trường hợp khẩn cấp, Nga có thể ngắt kết nối với Internet thế giới; hai là yêu cầu lọc nhiều hơn thông qua buộc ISP mua và cài đặt các công cụ trích xuất thông tin deep packet inspection (DPI).
Theo nhà báo công nghệ Alexandra Prokopenko, cơ quan quản lý viễn thông Roskomnadzor sẽ là đối tượng hưởng lợi chính từ luật. Được thành lập năm 2008, Roskomnadzor phụ trách sổ đăng ký các tài nguyên mà người Nga bị cấm truy cập. Chúng bao gồm các website chứa nội dung khiêu dâm, thông tin tự sát, chính trị cực đoan hay địa điểm các cuộc biểu tình bất hợp pháp. Trước khi có Luật Internet chủ quyền, bộ lọc của cơ quan này không quá hiệu quả do người dùng Internet trong nước vẫn có thể dùng VPN hay công cụ proxy để vượt qua.
Chưa sẵn sàng ngắt kết nối
Với công nghệ DPI do RDP.RU – một công ty có trụ sở tại Nga – phát triển, Roskomnadzor không chỉ chặn được nội dung hiệu qủa hơn mà còn làm giảm tốc độ một số dịch vụ Internet như YouTube, Facebook. Tuy vậy, Artem Kozlyuk, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ NGO Roskomsvoboda, không tin rằng Internet Nga sẽ bị cô lập với toàn cầu.
Hạ tầng Internet Nga phát triển nhanh chóng trong thập niên 90 thông qua hàng ngàn công ty Internet và số lượng kết nối xuyên biên giới khổng lồ, trái ngược với Trung Quốc, nơi Internet tập trung ngay từ đầu. Ông so sánh việc Nga tự ngắt với World Wide Web giống như đóng cửa không phận.
Từ khi xung đột với Ukraine xảy ra, Nga đã chặn Facebook, Twitter tại Nga. Thứ trưởng Bộ kỹ thuật số Nga Andrei Chernenko yêu cầu các website và cổng trực tuyến quốc doanh phải tăng cường bảo mật, chuyển sang các dịch vụ hosting của Nga nếu đang dùng của nước ngoài và xóa tất cả các đoạn mã JavaScript trên website được tải về từ nguồn nước ngoài. Ông cũng ra lệnh cho các dịch vụ web của nhà nước phải chuyển sang máy chủ DNS đặt tại Nga. Dù vậy, văn phòng ông Cherneko khẳng định Nga không có kế hoạch ngắt kết nối với Internet toàn cầu. Chỉ thị chỉ nhằm mục đích bảo vệ các website Nga trước những cuộc tấn công từ nước ngoài.
Theo Alena Epifanova, một chuyên gia chính sách mạng tại Hội đồng Quan hệ quốc tế Đức, Nga chưa sẵn sàng chuyển sang hệ thống DNS độc quyền. Theo kế hoạch năm 2019 của Điện Kremlin, DNS Nga lẽ ra phải hoàn tất và hoạt động từ đầu năm 2021 nhưng thực tế chưa làm được. Vài ISP của Nga vẫn chưa kết nối mạng lưới với DNS Nga dù biết sẽ bị phạt vì họ thừa hiểu việc đó sẽ tạo ra gián đoạn trong hạ tầng và hệ thống chưa sẵn sàng 100%. Bà tin rằng nếu bị ngắt kết nối, nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ nghiêm trọng.
Du Lam