“Phần lớn thành phố Severodonetsk đã nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga, trong khi lực lượng vũ trang Ukraine vẫn giao chiến dữ dội với binh sĩ đối phương trên các đường phố. Hiện thành phố này vẫn chưa bị bao vây”, Tỉnh trưởng Lugansk Serhiy Haidai nói với hãng tin AP.
Cũng theo ông Haidai, các cuộc không kích của Nga ở Severodonetsk trong ngày 31/5 đã đánh trúng một nhà máy hóa chất, khiến một thùng chứa axit nitric đặt tại đó phát nổ và tạo ra một cột khói khổng lồ. “Axit nitric rất nguy hiểm nếu hít phải, nuốt phải hay khi tiếp xúc với da. Tôi kêu gọi người dân nên ở trong hầm trú ẩn, cũng như hãy chuẩn bị mặt nạ phòng độc”, ông Haidai nói thêm.
Video: Cột khói bốc lên từ nhà máy hóa chất ở Severodonetsk. Nguồn: Ukraine Now Media
Trước đó, Thị trưởng Severodonetsk Oleksandr Stryuk nhận định “thành phố này về cơ bản đã bị phá hủy từng khu chung cư một”. “Các cuộc giao tranh trên đường phố vẫn diễn ra ác liệt và những vụ pháo kích đang đe dọa cuộc sống của khoảng 13.000 dân thường còn trú ẩn trong thành phố này”, AP dẫn lời ông Stryuk nói hôm 31/5.
“Chúng tôi không thể theo dõi số dân thường thiệt mạng trong tình trạng bị pháo kích bất kể ngày đêm, và việc di tản người dân khỏi đây cũng buộc phải ngừng lại. Không thể sơ tán người dân bởi các cuộc giao tranh trên đường phố đang diễn ra. Người dân Severodonetsk đang chết dần vì những vụ pháo kích, vì những vết thương do các mảnh đạn pháo gây ra hoặc do bị mắc kẹt trong đống đổ nát của những tòa nhà bị phá hủy”, ông Stryuk nói thêm.
Theo Thị trưởng Severodonetsk, điện trong thành phố này đã bị cắt và người dân đang rất cần lương thực, nước uống và thuốc men. “Lương thực vẫn còn đủ cung ứng trong vài ngày nữa, nhưng vấn đề là làm thế nào để phân phối cho người dân”, ông Stryuk cho biết.
Liên minh châu Phi cảnh báo về thảm họa lương thực
Tổng thống Senegal Macky Sall, hiện đang là Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi (AU) nói rằng, điều tồi tệ nhất đang đến với châu lục này nếu tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu vẫn tiếp diễn.
“Các nước châu Phi đã bị giáng đòn nặng nề bởi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, do sự phụ thuộc lớn của họ vào nguồn lúa mì từ Nga và Ukraine. Tình hình hiện nay đáng lo ngại đối với châu Phi, khi có tới 282 triệu người bị đói ăn”, hãng tin The Guardian dẫn lời ông Sall phát biểu trước giới lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) hôm 31/5.
“Trước mắt, chúng tôi muốn mọi việc được giải quyết để giải phóng nguồn dự trữ ngũ cốc có sẵn và đảm bảo việc vận chuyển cũng như tiếp cận thị trường, để tránh một kịch bản thảm họa về sự thiếu hụt và giá cả lương thực tăng cao”, Tổng thống Senegal nói thêm.
Theo số liệu được The Guardian công bố trước thời điểm chiến sự nổ ra, khoảng 44% lượng lúa mì các nước châu Phi nhập khẩu từ Nga và Ukraine. Chỉ riêng lượng lúa mì Ukraine xuất sang châu Phi cũng đủ nuôi sống hơn 400 triệu người.
Nga bác việc ngăn Ukraine xuất khẩu lương thực
Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, nước này không hề ngăn cản việc tàu thuyền vận chuyển ngũ cốc ra khỏi Ukraine. “Bên duy nhất thực sự ngăn cản các tàu sử dụng cảng để xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển là Ukraine, bởi họ đã cho rải nhiều loại thủy lôi khiến việc đi lại trên biển mất an toàn”, ông Lavrov nói với hãng tin RT tối 31/5.
“Nếu việc phá thủy lôi được giải quyết, thì tuyến hàng hải sẽ được mở… Hải quân Nga sẽ đảm bảo việc đi lại của tàu thuyền tới Địa Trung Hải không bị ngăn cản”, ông Lavrov nói thêm.
Ngoại trưởng Nga sau đó tuyên bố rằng, chính các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên nước này đã phá vỡ cơ sở hạ tầng tài chính và hậu cần mà chính quyền Moscow sử dụng để xuất khẩu ngũ cốc. Đồng thời, ông Lavrov cũng phản hồi những lời chỉ trích từ Mỹ và các quốc gia đồng minh về việc Nga đang ngăn Ukraine xuất khẩu ngũ cốc. “Hàng lang hàng hải trên Biển Đen ngày nào cũng có sẵn cho giao thông dân sự”, ông Lavrov khẳng định.
Nga cắt khí đốt tới Đan Mạch
Công ty năng lượng Orsted của Đan Mạch hôm 31/5 cho biết, tập đoàn Gazprom của Nga sẽ cắt nguồn cung khí đốt tới Đan Mạch vì công ty này từ chối thanh toán bằng đồng Rúp, và quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày hôm nay (1/6).
“Do không có đường ống dẫn khí nào nối trực tiếp từ Nga với Đan Mạch, nên Nga sẽ không có khả năng cắt trực tiếp nguồn cung khí đốt tới Đan Mạch, và Đan Mạch vẫn có thể có được khí đốt. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc nguồn khí đốt mà Đan Mạch cần mua trên thị trường khí đốt châu Âu sẽ ở mức lớn hơn”, hãng tin Al Jazeera dẫn thông cáo từ công ty năng lượng Orsted, nêu rõ.
Tuấn Trần