“Cơ hội để giải quyết xung đột chỉ xuất hiện khi Ukraine ngừng tạo ra những mối đe dọa đối với Nga, cũng như chấm dứt việc phân biệt đối xử với người Ukraine nói tiếng Nga. Nếu kết quả này có thể đạt được thông qua đàm phán, thì chúng tôi sẵn sàng cho kịch bản này. Còn không, chúng tôi sẽ hoàn thành các mục tiêu bằng những biện pháp quân sự”, hãng tin RT dẫn lời ông Nebenzia nói.
Theo Đại sứ Nga tại LHQ, mọi thứ đã có thể khác đi đối với Ukraine “nếu chính quyền Kiev tuân thủ các điều khoản ghi trong Thỏa thuận Minsk”.
“Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người tiền nhiệm Petro Poroshenko, cả Pháp và Đức đều không có ý định thực hiện Thỏa thuận Minsk. Họ chỉ muốn dùng bản thỏa thuận làm ‘bình phong’ cho việc phương Tây âm thầm vũ trang cho Kiev”, ông Nebenzia nói thêm.
Nga tố Ukraine dàn dựng chiến dịch phá hoại
Theo thông cáo từ Trụ sở điều phối chung về ứng phó nhân đạo của Nga (JCHHR), Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine (SBU) đang lên kế hoạch cho các hoạt động phá hoại có quy mô lớn trong những ngày tới, nhằm đổ tội cho quân đội Nga gây ra tình trạng thiếu lương thực ở Ukraine.
“Tại làng Karaichnoye thuộc tỉnh Kharkiv, các nhân viên mật vụ Ukraine đang cho đặt mìn các kho chứa lương thực. Một khi những kho lương thực này bị phá hủy, Nga sẽ bị gán cho các tội danh ‘cố tình phá hủy kho dự trữ lương thực ở Ukraine; gây ra nạn đói và phá hoại thỏa thuận ngũ cốc’. Theo thông tin sơ bộ, có tổng cộng 30 chuyên gia đặt bom và thành viên SBU đã có mặt ở tỉnh Kharkiv để thực hiện nhiệm vụ này”, hãng tin Sputnik dẫn thông cáo của JCHHR viết.
“Theo nhận định của chúng tôi, mục đích chiến dịch phá hoại trên nhằm tăng áp lực hơn nữa lên các nước phương Tây để đảm bảo nguồn viện trợ vũ khí dành cho Kiev”, thông cáo viết thêm.
Chính quyền Ukraine tới nay chưa đưa ra bình luận về nội dung bản thông cáo trên của JCHHR.
Hungary muốn EU xem xét đòn trừng phạt áp lên Nga
Phát ngôn viên Chính phủ Hungary Alexandra Szentkiralyi hôm nay (15/1) cho biết, các lệnh trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) áp lên Nga không chỉ thất bại trong việc “khiến cuộc xung đột ở Ukraine hạ nhiệt, mà còn tạo ra nhiều vấn đề kinh tế đối với châu Âu”.
“Có tới 97% người dân Hungary tham gia vào một cuộc khảo sát được thực hiện gần đây đã phản đối các lệnh trừng phạt. Cần nói rõ rằng, các chính sách trừng phạt của Brussels cần phải xem xét lại. Những người tham gia cuộc khảo sát đã thể hiện sự phản đối rõ ràng với các biện pháp trừng phạt, khi chúng làm giá cả lương thực tăng cao cũng như tạo thêm gánh nặng cho ngành du lịch ở châu Âu”, hãng tin RT dẫn lời bà Szentkiralyi nói.
Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất ‘ngừng bắn cục bộ’ ở Ukraine
Phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin hôm 14/1 nói rằng chính quyền Ankara sẵn sàng thúc đẩy sáng kiến ngừng bắn cục bộ tại Ukraine.
“Cả Nga và Ukraine đều không đủ khả năng giành thắng lợi bằng biện pháp quân sự trong cuộc xung đột. Họ sẽ sớm phải cân nhắc lại lập trường vì cái giá phải trả cho việc kéo dài cuộc xung đột là quá lớn. Theo tôi, Moscow và Kiev có thể sẽ chấp nhận các thỏa thuận ngừng bắn cục bộ tại một số khu vực. Do vậy, chúng tôi sẵn sàng thúc đẩy những thỏa thuận ngừng bắn cục bộ và nỗ lực giảm sự leo thang ở quy mô nhỏ”, hãng tin RT dẫn lời ông Kalin phát biểu.
“Theo quan điểm của tôi, Nga muốn được tôn trọng cũng như tránh khả năng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xuất hiện ở khu vực ‘sân sau’ của nước này”, ông Kalin nói thêm.
Chính quyền Nga và Ukraine tới nay chưa bình luận về những phát biểu trên của quan chức Kalin.