Hãng tin Reuters dẫn lời ông Vyacheslav Volodin nói trước thềm cuộc tranh luận và bỏ phiếu của Quốc hội Nga về việc hủy bỏ phê chuẩn như sau: "Để đảm bảo an ninh của nước Nga, chúng tôi đang rút lại việc phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện".
Theo quan chức này, Moscow đã phê chuẩn hiệp ước trên vào năm 2000 nhưng Washington đã không phê chuẩn nó vì "thái độ vô trách nhiệm của họ đối với các vấn đề an ninh toàn cầu. Nga sẽ làm mọi thứ để bảo vệ công dân của mình và duy trì sự bình đẳng chiến lược toàn cầu".
Dù Nga hủy phê chuẩn nhưng nước này sẽ vẫn là một bên ký kết hiệp ước và sẽ tiếp tục hợp tác với tổ chức hiệp ước cấm thử hạt nhân, hệ thống giám sát toàn cầu (cơ quan cảnh báo thế giới về bất cứ vụ thử nghiệm hạt nhân nào).
Các quan chức Nga cho biết, việc hủy phê chuẩn hiệp ước không có nghĩa là Nga sẽ thử nghiệm một quả bom hạt nhân mà điều đó chỉ đơn giản là phù hợp với lập trường của Mỹ.
Nước Nga thời hậu Xô viết chưa bao giờ thử nghiệm hạt nhân. Liên Xô thử nghiệm hạt nhân lần cuối vào năm 1990 và Mỹ thử lần cuối vào năm 1992.
Theo Liên Hợp Quốc, trong 5 thập niên từ năm 1945 đến khi Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện ra đời vào năm 1996, hơn 2.000 vụ thử hạt nhân đã được thực hiện, trong đó có 1.032 vụ do Mỹ tiến hành và 715 vụ do Liên Xô thực hiện.