Reuters dẫn lời Serhiy Gaidai, thống đốc khu vực Luhansk thuộc Donbass cho hay, các cuộc pháo kích của Nga dữ dội đến mức không thể đánh giá được thương vong và thiệt hại. Hàng chục tòa nhà đã bị phá hủy trong vài ngày qua.
"Tình hình đã leo thang cực độ", ông Gaidai nói.
Chính phủ Ukraine kêu gọi phương Tây cung cấp cho họ nhiều vũ khí tầm xa hơn để lật ngược tình thế khi chiến sự đã bước sang tháng thứ 4.
Trận chiến giành Sievierodonetsk, thành phố nằm ở phía đông sông Siverskyi Donets, đã trở thành tâm điểm chú ý khi Nga thâu tóm thêm quyền kiểm soát các vùng đất ở Donbass.
Viện Nghiên cứu chiến tranh có trụ sở tại Washington đánh giá, việc Nga tập trung vào Sievierodonetsk đã thu hút nguồn lực từ các chiến trường khác và kết quả là họ đạt được rất ít tiến bộ ở những nơi này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, tình hình quân sự ở Donbass, tại những khu vực do lực lượng ly khai thân Moscow kiểm soát, rất phức tạp nhưng các lực lượng phòng thủ của Kiev vẫn được duy trì ở một số nơi, bao gồm cả Sievierodonetsk và Lysychansk.
“Nơi đó khó khăn không tả xiết. Và tôi biết ơn tất cả những người đã chống chọi với cuộc tấn công dữ dội này", ông Zelensky bày tỏ trong thông điệp video đêm 28/5.
Ba Lan đồng ý cung cấp pháo cho Ukraine
Truyền thông Ba Lan đưa tin, chính phủ nước này đã nhất trí chuyển giao 18 hệ thống lựu pháo tự hành hiện đại "AHS Krab" 155mm cho Kiev để chống lại các lực lượng Nga. Đây là những vũ khí được đánh giá lợi hại, có tầm bắn tiêu chuẩn là 30 km và tối đa là 40 km.
Theo báo The Guardian, một kế hoạch để Ba Lan chuyển giao 28 máy bay chiến đấu MiG-29 quen thuộc với các phi công Ukraine thông qua Mỹ vào tháng 3, đã sụp đổ sau sự phản đối của Nhà Trắng. Tháng trước, Washington cân nhắc gửi xe tăng Challenger 2 của Anh tới Ba Lan để đổi lấy việc Warsaw cung cấp cho Ukraine thêm xe tăng T-72, mẫu thiết kế của Nga đang được các lực lượng vũ trang nước này sử dụng.
Tổng thống Ukraine lần đầu thăm tiền tuyến ngoài Kiev
Tổng thống Zelensky hôm 29/5 đã tới thăm các binh sĩ tại Kharkiv, thành phố lớn thứ 2 của Ukraine, nằm ở đông bắc đất nước. Đây là lần đầu tiên ông Zelensky xuất hiện chính thức ở bên ngoài thủ đô Kiev kể từ khi Nga mở chiến dịch tấn công quân sự vào Ukraine ngày 24/2.
"Các bạn đã liều mạng vì tất cả chúng tôi và vì đất nước của chúng ta”, ông Zelensky nói với những người lính, đồng thời khen ngợi và trao huân chương, quà tặng cho họ.
Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không để các nước "hỗ trợ khủng bố" vào NATO
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo, các cuộc đàm phán của Ankara với các phái đoàn Phần Lan và Thụy Điển hồi tuần trước không như mong đợi và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không để các nước "hỗ trợ khủng bố" gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đài TRT Haber dẫn lời người đứng đầu Ankara tuyên bố sau khi ông trở về từ chuyến công du Azerbaijan hôm 28/5: "Chừng nào Tayyip Erdogan còn là lãnh đạo đất nước, chúng tôi chắc chắn không thể cho phép các nước ủng hộ chủ nghĩa khủng bố tham gia NATO".
Phát biểu của ông Erdogan phản ánh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thay đổi quan điểm cứng rắn về việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO. Ankara cáo buộc Helsinki và Stockholm nương tay với tổ chức đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) coi là khủng bố. Hai nước Bắc Âu còn bị Ankara tố cáo là nơi trú ẩn của những người ủng hộ Fethullah Gulen, giáo sĩ Mỹ tình nghi dàn dựng vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, Phần Lan và Thụy Điển khẳng định họ lên án chủ nghĩa khủng bố, đồng thời hoan nghênh các cơ hội hợp tác với Ankara.
Về cuộc chiến Nga - Ukraine, ông Erdogan nói, Thổ Nhĩ Kỳ muốn chứng kiến cuộc xung đột này chấm dứt càng sớm càng tốt, nhưng tình hình đang trở nên tiêu cực hơn mỗi ngày. Ông tiết lộ sẽ có cuộc điện đàm với cả Nga và Ukraine vào ngày 30/5 để thúc đẩy hai bên theo đuổi các kênh đối thoại và ngoại giao/
Tuấn Anh