Vụ việc được hé lộ trong tuần này khi một tòa án Nga bác đơn khiếu nại tập thể của hơn 100 cựu thành viên Rosgvardia về quyết định sa thải họ mới đây.
Theo phán quyết của tòa được đăng tải trên trang web chính thức, vụ kiện bị bác bỏ sau khi chánh án xác định rằng, các vệ binh bị đuổi khỏi lực lượng một cách chính đáng vì "từ chối thực hiện nhiệm vụ chính thức" là chiến đấu ở Ukraine và thay vào đó quay trở lại nơi đồn trú.
Theo báo The Guardian, vụ kháng nghị diễn ra ở Nalchik, thủ đô của nước cộng hòa Kabardino-Balkarian ở vùng Caucasus thuộc Nga, nơi đơn vị Rosgvardia đóng quân.
Kể từ khi chiến sự bùng phát, truyền thông và tình báo phương Tây đã nhiều lần đưa tin về tình trạng sa sút tinh thần trong quân đội Nga cũng như việc một số binh sĩ từ chối tham chiến ở nước láng giềng.
Moscow không lên tiếng bình luận về những thông tin như vậy.
Anh kêu gọi chuyển giao vũ khí tầm xa tiên tiến cho Ukraine
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 27/5 cho hay, các lực lượng Nga đang đạt được những bước tiến"chậm chạp nhưng rõ ràng" ở vùng Donbass, miền đông Ukraine. Ông kêu gọi các nước hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine.
"Tôi nghĩ điều rất quan trọng là chúng ta không nên bị ru ngủ vì tinh thần anh hùng đáng kinh ngạc của người Ukraine trong việc đẩy lùi quân Nga khỏi các cửa ải Kiev ... Điều họ (Ukraine) cần hiện giờ là loại vũ khí như hệ thống phóng đa tên lửa (MLRS). MLRS sẽ cho phép họ tự vệ trước các loại pháo bắn phá dữ dội của Nga", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Bloomberg.
Lãnh đạo chính phủ Anh cũng cảnh báo về sự nguy hiểm khi đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Làm thế nào bạn có thể đối phó với một con cá sấu khi nó đang ăn thịt chân trái của bạn? Ông ta (Putin) sẽ cố gắng đóng băng xung đột. Ông ta sẽ cố gắng kêu gọi ngừng bắn trong khi vẫn nắm quyền sở hữu các phần quan trọng của Ukraine", ông Johnson bày tỏ.
Moscow - Kiev không đạt nhất trí về "hành lang hàng hải"
Một quan chức Ukraine ngày 27/5 cho biết, Kiev đã không nhất trí về "các hành lang nhân đạo hàng hải" do quân đội Nga công bố hồi đầu tuần này.
CNN dẫn lời Serhii Bratchuk, phát ngôn viên của chính quyền vùng Odesa cáo buộc tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga về các tuyến đường an toàn cho tàu thuyền là "nỗ lực nhằm tạo ra chứng cứ ngoại phạm thông tin cho Moscow". Ông Bratchuk cũng tố cáo phía Nga đang "cố gắng đổ lỗi cho Ukraine về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu".
Mỹ và các đồng minh phương Tây coi việc Nga phong tỏa các cảng của Ukraine, cản trở quá trình xuất khẩu nông sản của nước láng giềng đang góp phần dẫn đến tình trạng thiếu hụt các loại ngũ cốc trên toàn cầu. Điện Kremlin mới đây cho biết, Moscow sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để giảm thiểu khủng hoảng, kể cả cho phép xuất khẩu các loạt ngũ cốc và phân bón nếu phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt "mang động cơ chính trị".
Hồi đầu tuần này, quân đội Nga thông báo sẽ mở 2 "hành lang nhân đạo hàng hải", gồm một từ hướng các cảng Kherson, Mykolaiv, Chornomorsk, Ochakiv, Odesa cũng như Pivdennyi (Yuzhny) và một từ cảng Mariupol bên bờ biển Azov. Trong cuộc điện đàm hôm 26/5 với Thủ tướng Italia Mario Draghi, ông Putin quả quyết phía Ukraine đã cản trở việc thiết lập hai hành lang này.
Tuấn Anh