“Nếu ai đó từ bên ngoài quyết định can thiệp vào các sự kiện đang diễn ra và tạo nên các mối đe dọa chiến lược không thể chấp nhận được đối với chúng ta, họ nên biết rằng phản ứng của chúng ta đối với những đòn tấn công sắp tới sẽ vô cùng chớp nhoáng”, Tổng thống Putin tuyên bố trong một bài phát biểu trước các nhà lập pháp Nga tại thành phố St. Petersburg hôm thứ 27/4, theo Russia Today.
“Chúng ta có tất cả các công cụ để làm điều này. Công cụ mà không ai ngoại trừ chúng ta có thể khoe ra. Nhưng chúng ta sẽ không khoe mẽ, mà sẽ chỉ sử dụng chúng nếu có nhu cầu như vậy”, Tổng thống Putin cho biết, mà không chỉ rõ công cụ nào có thể được triển khai.
Cũng tại cuộc họp trên, người đứng đầu nước Nga còn tuyên bố sẽ đáp trả mọi nỗ lực nhằm cô lập nước này khi cho rằng đồng Rúp, hệ thống ngân hàng, lĩnh vực vận tải và nền kinh tế nói chung đang phải chống lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.
Cùng ngày 27/4, Trưởng đoàn đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết chưa đạt được thỏa thuận để tiến hành cuộc gặp giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Putin nhằm thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine, bất chấp những nỗ lực dàn xếp từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
EU cảnh báo về việc mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, bất kỳ công ty năng lượng nào của các nước thuộc Liên minh châu Âu đồng ý trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Moscow.
“Chúng tôi ước tính khoảng 97% trong tổng số các hợp đồng khí đốt đều quy định rõ các khoản thanh toán phải bằng Euro hoặc USD. Việc phía Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng Rúp là một quyết định đơn phương và không tuân theo các hợp đồng này”, bà cho biết tại một cuộc họp báo ở Brussels hôm 27/4.
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu cũng xem quyết định của Nga trong việc cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria là một “hành động khiêu khích”, và cho biết cả hai nước này đang được cung cấp khí đốt từ các nước láng giềng thuộc EU sau cuộc họp khẩn với các nước thành viên của khối.
Về phần mình, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết ông chắc chắn sẽ có hành động pháp lý đối với Gazprom, sau khi tập đoàn năng lượng Nga tạm ngưng cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.
Nga trục xuất các nhà ngoại giao Nhật, Na Uy, rút khỏi Tổ chức Du lịch Thế giới
Bộ Ngoại giao Nga hôm 27/4 cho biết đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản và lưu ý 8 nhà ngoại giao của nước này sẽ phải rời Nga muộn nhất vào ngày 10/5 tới. Đây được xem là động thái đáp trả việc Tokyo trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Na Uy về quyết định trục xuất 3 nhà ngoại giao khỏi Moscow. Trước đó, cơ quan này đã triệu tập Đại sứ Na Uy Rune Resaland để phản đối quyết định của Oslo khi trục xuất các nhân viên của Đại sứ quán Nga tại Na Uy, cũng như việc Na Uy cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Cũng trong ngày 27/4, Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) thông báo Nga đã quyết định rút khỏi cơ quan này ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu của UNWTO nhằm đình chỉ tư cách thành viên của Nga do cuộc xung đột tại Ukraine. Quá trình này sẽ mất 1 năm để hoàn tất, nhưng việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Phiên họp bất thường của Đại hội đồng UNWTO sẽ vẫn diễn ra và các thành viên đều có quyền bỏ phiếu một cách dân chủ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, việc Nga rút khỏi UNWTO sẽ không ảnh hưởng đến ngành du lịch của nước này.
Ukraine tuyên bố tấn công các lực lượng Nga trên đảo Rắn
Quân đội Ukraine thông báo đã tấn công các vị trí của lực lượng Nga trên đảo Rắn ở Biển Đen khi chiến sự gần bước sang tuần thứ 9.
"Lực lượng của chúng tôi đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào vị trí của đối phương trên đảo Rắn. Thiệt hại của phía Nga đang được làm rõ", quân đội Ukraine thông báo trên mạng xã hội cuối ngày 26/4, và cho biết đã tấn công vào một trạm kiểm soát cùng hệ thống phòng không trên đảo.
Nga chưa bình luận gì về tuyên bố của Ukraine.
Đảo Rắn có diện tích khoảng 17 hecta, là một trong các thực thể quan trọng trong việc thiết lập lãnh hải của Ukraine.
Chỉ huy quân Ukraine ở Mariupol tiếp tục cầu cứu
Serhiy Volyna, quyền chỉ huy Lữ đoàn 36 của quân đội Ukraine đang cố thủ trong nhà máy Azovstal ở thành phố Mariupol, tiết lộ có hơn 600 dân thường và binh sĩ bị thương còn ở bên trong nhà máy.
Phát biểu qua một video được đăng trên mạng xã hội hôm 27/4, Volyna cho hay những người bị thương không có thuốc men và điều kiện chữa trị, Bên cạnh đó, hàng trăm dân thường, bao gồm cả trẻ em, đang sống trong điều kiện mất vệ sinh và cạn kiệt dần đồ ăn, nước uống.
Video lời cầu cứu của Serhiy Volyna, quyền chỉ huy Lữ đoàn 36 của quân đội Ukraine. Nguồn: Guardian
“Tôi đã khẩn cầu tất cả các nhà lãnh đạo, các nhà ngoại giao trên thế giới, và cả Giáo hoàng Francis, tôi đã kêu gào bằng hết sức bình sinh của mình, để yêu cầu chúng tôi được thoát ra ngoài”, quyền chỉ huy Lữ đoàn 36 nói trong video, và kêu gọi cộng đồng quốc tế mở một cuộc di tản khẩn cấp các binh sĩ và dân thường bị thương ra khỏi nhà máy Azovstal.
Việt Anh