Tổng thống Mỹ Trump mới đây tuyên bố, Nga và Ukraine có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột "trong tuần này". Song, ông cũng đe dọa từ bỏ nỗ lực đàm phán hòa bình, nếu như các bên không đạt bước tiến nào trong tương lai gần.

"Tôi hy vọng Moscow và Kiev có thể thống nhất về một thỏa thuận ngừng bắn trong vài ngày tới. Khi đó, cả hai sẽ có cơ hội 'làm ăn lớn' với Mỹ và sẽ kiếm được rất nhiều tiền", ông Trump chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social hôm 20/4.

nga ukraine cham dut xung dot.jpg
Quân đội Nga tấn công vị trí của binh sĩ Ukraine ở Pokrovsk. Ảnh: Sputnik 

Tuyên bố của lãnh đạo Nhà Trắng được đưa ra khi tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời các quan chức phương Tây cho biết, Mỹ đã soạn thảo một tài liệu mật nêu rõ những nhượng bộ Washington sẽ thực hiện với Moscow để đạt thỏa thuận hòa bình ở Ukraine, bao gồm cả khả năng công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crưm và từ chối để Ukraine gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cũng theo WSJ, một đề xuất khác là biến các khu vực xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia thành lãnh thổ trung lập và có thể nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ. 

Hôm 21/4, ông Trump còn tiết lộ Mỹ đã có "các cuộc họp rất tốt" về Nga và Ukraine, và ông sẽ cung cấp "toàn bộ thông tin chi tiết trong 3 ngày tới".

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo, phái đoàn của Kiev sẽ tổ chức thương lượng với các đối tác Mỹ, Anh và Pháp tại London vào ngày 23/4. Theo WSJ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cùng các đặc phái viên Steve Witkoff và Keith Kellogg sẽ tham gia sự kiện này. 

Sau cuộc điện đàm ông Zelensky mô tả là "tốt và chi tiết" với Thủ tướng Anh Keir Starmer, nhà lãnh đạo Ukraine cho hay, Kiev sẵn sàng tiến theo “con đường mang tính xây dựng nhất để có thể đạt được lệnh ngừng bắn vô điều kiện" và hòa bình lâu dài.

Ngoại trưởng Mỹ Rubio hôm 18/4 khuyến cáo, thời gian đang trôi qua và Washington hiện có những ưu tiên khác cần tập trung, đồng thời nhấn mạnh xung đột Nga - Ukraine "không phải là cuộc xung đột của Mỹ". Ông tiết lộ, Mỹ hiện cần phải xác định nhanh chóng, thậm chí "chỉ vài ngày", liệu một thỏa thuận có là khả thi trong vài tuần tới hay không.

"Chúng tôi sẽ không tiếp tục bay khắp thế giới và họp hết cuộc này đến cuộc khác, nếu không đạt tiến triển nào", nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ nói.

Trong khi đó, sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 2, Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ cố gắng chấm dứt xung đột Nga – Ukraine trong vòng 100 ngày và thời hạn này sẽ kết thúc vào ngày 30/4. Tuy nhiên, theo tờ Kyiv Independent, những diễn biến thực tế lại cho thấy mong muốn của ông Trump về việc kết thúc xung đột ở Ukraine “ngay trong tuần này” khó có thể thực hiện được. 

Tình hình trên chiến tuyến

Giữa lúc Mỹ đang gây sức ép với Ukraine, quân đội Nga tiếp tục triển khai tấn công theo nhiều hướng. Song, các cuộc tấn công gia tăng của Nga không đạt kết quả như mong đợi. Cụ thể, quân đội Nga đã giành được những thắng lợi nhỏ trong tháng qua và buộc các lực lượng Kiev phải rời khỏi hầu hết những khu vực từng chiếm giữ ở vùng biên giới Kursk của Nga.

Hôm 21/4, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi thông tin, Nga đang tăng cường nỗ lực đẩy bật binh lính Kiev ra khỏi các khu vực còn kiểm soát ở Kursk, đồng thời chiếm giữ các khu vực biên giới ở tỉnh Sumy của Ukraine.

"Giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở Sumy, tại các khu vực gần biên giới cũng như trên lãnh thổ Liên bang Nga", ông Syrskyi cho hay.

Hiện không rõ Ukraine có thể chống chọi được với làn sóng tấn công tiếp theo của Nga như thế nào, khi tình trạng thiếu hụt nhân lực và hạn chế về trang thiết bị của Kiev ngày càng trầm trọng hơn.

nga ukraine cham dut xung dot 1.jpg
Tân binh Ukraine tham gia huấn luyện. Ảnh: Kyiv Independent

Châu Âu có thể cứu được Ukraine?

Nếu Mỹ lại cắt viện trợ quân sự và dừng chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine như sau màn khẩu chiến nảy lửa giữa ông Zelensky với ông Trump và Phó Tổng thống Mỹ J.D Vance tại Phòng Bầu dục hồi cuối tháng 2, câu hỏi đặt ra là liệu châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống do Washington để lại hay không. 

Thời gian qua, châu Âu đã kêu gọi khối đẩy mạnh năng lực sản xuất quốc phòng, nhưng vẫn phải thừa nhận Nga đang sản xuất vũ khí nhiều hơn tất cả các nước châu Âu cộng lại. Các nhà sản xuất vũ khí ở châu Âu cũng bày tỏ hoài nghi, vì việc mở rộng quy mô sản xuất để lấp đầy khoảng trống sẽ mất thời gian cũng như phụ thuộc vào ý chí chính trị.

Đáng chú ý, Ngoại trưởng Rubio cũng chưa nói rõ liệu Mỹ có hoàn toàn ngừng hỗ trợ Ukraine hay không, nếu như thỏa thuận hòa bình không đạt được trong tuần này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhiều lần nhóm họp để thảo luận về những đảm bảo an ninh có thể cung cấp cho Kiev, kể từ khi ông Trump thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga – Ukraine vào giữa tháng 2.

Ukraine nghĩ gì về nỗ lực hòa bình của Mỹ?

Giữa lúc các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ dẫn dắt vẫn diễn ra bất chấp nhiều trở ngại, Ukraine cũng vạch ra các "giới hạn đỏ" của mình.

Tờ Independent dẫn lời các quan chức cấp cao Ukraine cho hay, trong số các yêu cầu của Kiev có việc Nga sẽ không giành thêm quyền kiểm soát lãnh thổ Ukraine, thiết lập các đảm bảo an ninh quốc tế để ngăn chặn Nga vi phạm lệnh ngừng bắn và việc trao trả lại dân thường Ukraine bao gồm cả trẻ em. 

Chính quyền Zelensky nhiều lần tuyên bố sẽ không công nhận bất kỳ lãnh thổ nào thuộc Ukraine là của Nga, kể cả Crưm, bán đảo đã sáp nhập vào Nga năm 2014. Đổi lại, Ukraine đã đồng ý ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày theo đề xuất của Mỹ, nếu như Nga hành động tương tự. 

Kiev cũng lo ngại về việc ký kết bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào với Nga, với lý do ai sẽ giám sát lệnh ngừng bắn trong khi Moscow phản đối sự xuất hiện của quân đội NATO trên lãnh thổ Ukraine. 

Ngay cả trong thời gian triển khai lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục sinh do Tổng thống Putin ban hành từ 18h ngày 19/4 đến nửa đêm ngày 21/4, cả Nga và Ukraine vẫn liên tiếp cáo buộc nhau vi phạm cũng như xác nhận giao tranh vẫn tiếp diễn trên khắp tiền tuyến. 

Ngoài ra, các quan chức châu Âu cũng khuyến cáo, một thỏa thuận hòa bình vội vã sẽ khiến các quốc gia vùng Baltic gần biên giới Nga phải cảnh giác hơn.