Theo Kyiv Independent, trong ngày 31/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thông báo về việc Kiev và Moscow tiến hành trao đổi tù binh lần đầu tiên sau gần 4 tháng.
"Thỏa thuận trao đổi tù binh được thúc đẩy bởi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). 75 công dân Ukraine đã được trả tự do, trong số này có 4 dân thường, còn lại là binh lính. 19 sĩ quan trong số này từng tham gia phòng thủ tại Đảo Rắn vào đầu cuộc xung đột", ông Zelensky cho biết.
Cũng theo Tổng thống Zelensky, Moscow đã bàn giao thi thể 212 quân nhân Ukraine theo thỏa thuận. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao UAE nói đây là nỗ lực hòa giải thứ ba giữa Nga và Ukraine từ đầu năm 2024, kêu gọi các bên tiếp tục đối thoại giảm căng thẳng.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận việc 75 quân nhân nước này được chính quyền Kiev trả tự do. Các binh sĩ này sẽ được đưa về thủ đô Moscow để nhận sự chăm sóc y tế cần thiết.
Theo truyền thông Ukraine, lần gần nhất Kiev và Moscow trao đổi tù binh đã diễn ra từ đầu tháng 2. Tính từ khi cuộc xung đột nổ ra, hai bên đã tiến hành trao đổi tù binh hơn 50 lần.
Mỹ làm rõ việc cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tập kích Nga
Theo Pravda, trong ngày 31/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã xác nhận việc Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ để tập kích các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
"Tổng thống Biden đồng ý để Ukraine dùng vũ khí Mỹ tập kích các mục tiêu quân sự Nga đang hỗ trợ việc tấn công Kharkiv", ông Blinken nói.
Tuy vậy, phát ngôn viên Nhà Trắng Michael Carpenter sau đó nhấn mạnh rằng Washington vẫn nghiêm cấm Kiev sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS trong các chiến dịch tập kích trên lãnh thổ Nga.
"Chúng tôi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tự vệ. Nhưng điều này không áp dụng với ATACMS hay các loại tên lửa tầm xa khác của Mỹ", ông Carpenter cho biết.
Cùng ngày, Hà Lan và Đan Mạch đã "bật đèn xanh" cho phép Ukraine sử dụng tiêm kích F-16 và các loại vũ khí do 2 quốc gia này viện trợ để tập kích các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Anh và Pháp trước đó đã ủng hộ chính sách này, trong khi Đức cũng đã đồng ý sau tín hiệu từ Mỹ.