Chị N.T. Hòa (Hà Nội) chia sẻ, mẹ chị có tiền sử bị huyết áp cao, phải theo dõi sức khỏe thường xuyên. Để đảm bảo an toàn mùa dịch, gia đình chị quyết định mua máy đo huyết áp để theo dõi sức khoẻ cho bà tại nhà, khi có vấn đề nghiêm trọng mới đi bệnh viện.

Thấy trên một trang web bán thiết bị y tế quảng cáo máy đo huyết áp nhập khẩu có giá 1,5 triệu đồng, phù hợp với nhu cầu sử dụng, nên chị Hòa quyết định đặt mua online.

Quá trình đặt hàng khá đơn giản, không cần đăng ký tài khoản hay đăng nhập, chị Hoà chỉ cần để lại tên, số điện thoại và địa chỉ. Ngoài thông báo "Đơn hàng thành công", chị Hòa không nhận được xác nhận đơn hàng qua điện thoại hay email.

Máy vẫn được giao đến theo đúng thời gian yêu cầu. Tuy nhiên, sau vài lần sử dụng, gia đình chị nhận thấy máy đo huyết áp cho thông số không chính xác. Liên hệ với đơn vị bán để yêu cầu đổi/trả thì họ không đồng ý, vì gia đình không có đơn hàng hay hóa đơn để chứng minh.

{keywords}
 

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, Cục đã ghi nhận một số trường hợp người dùng bị vi phạm quyền lợi khi mua thiết bị y tế qua các sàn/website chưa đăng ký/thông báo tới Bộ Công thương. Trong trường hợp này, người dùng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định căn cứ pháp lý khi phản ánh, khiếu nại do không cung cấp được bằng chứng đã mua hàng tại website thương mại điện tử.

Để hạn chế tình trạng người tiêu dùng bị vi phạm quyền lợi khi mua thiết bị y tế qua mạng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo:

- Nên mua hàng tại những sàn/trang web thương mại điện tử đã đăng ký/thông báo tới Bộ Công thương. Dấu hiệu nhận biết là hình ảnh logo đã đăng ký/thông báo tới Bộ Công thương được hiển thị ở cuối màn hình giao diện của trang web hay sàn thương mại điện tử và khi bấm vào logo sẽ được chuyển hướng tới trang web Hệ thống Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công thương (http://online.gov.vn), trong đó thể hiện thông tin của sàn thương mại điện tử/trang web thương mại điện tử đó.

- Lựa chọn sàn thương mại điện tử, trang web thực hiện đầy đủ các bước cho phép người tiêu dùng đặt hàng. Cụ thể: Yêu cầu đăng nhập/đăng ký khi mua hàng (đây là cơ sở để người tiêu dùng xem lại các đơn hàng đã thực hiện); thể hiện thông tin đơn hàng sau khi người tiêu dùng đặt hàng thành công như: Mã đơn hàng, thông tin người bán, thông tin người mua, đơn vị vận chuyển, thời gian dự kiến nhận hàng...; gửi tin nhắn/email đến người tiêu dùng thông báo về việc đã đặt hàng thành công.

- Khi nhận hàng, người tiêu dùng xem xét kỹ biên lai giao nhận của đơn vị vận chuyển, đặc biệt là phần thông tin người bán. Nếu thông tin người bán trên biên lai không khớp với sàn/trang web thương mại điện tử, người tiêu dùng nên từ chối nhận hàng.

- Tìm hiểu, tham khảo kỹ từ bạn bè, người thân, mạng internet về sàn /trang web thương mại điện tử và tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ trước khi thực hiện giao dịch.

- Nhanh chóng phản ánh và yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết bị y tế giải quyết các yêu cầu khi cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm. Trường hợp không được giải quyết thỏa đáng, cần liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp người tiêu dùng gửi khiếu nại đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cần cung cấp đầy đủ các tài liệu: Đơn khiếu nại; ảnh chụp sản phẩm thiết bị y tế; ảnh chụp biên lai giao hàng của đơn vị vận chuyển, trong đó thông tin người bán được thể hiện không rõ ràng. Đây là những căn cứ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo Phụ nữ Việt Nam