Đáng nói, rất nhiều người trong hội nhóm này cũng chia sẻ thêm một vài thông tin khác về những vụ việc lừa đảo tương tự...

Sau hơn 2 năm bị “cùm” chân vì đại dịch COVID-19, khi ngành du lịch Việt Nam bắt đầu mở lại, nhu cầu của người dân tăng lên chóng mặt. Để khởi động lại hoạt động của mình, các hãng lữ hành đua nhau giới thiệu, quảng cáo nhiều chuyến du lịch với mức giá hấp dẫn. Lợi dụng tâm lý ham giá rẻ, dịch vụ tốt và tình trạng khan hiếm phòng ở các điểm du lịch, các đối tượng lừa đảo thường dùng hình ảnh khách sạn hạng sang, tour du lịch thú vị, cảnh quan đẹp để quảng cáo vào những hội, nhóm và giao dịch thông qua tin nhắn riêng. Khi “con mồi” sập bẫy, những kẻ này sẽ chặn số liên lạc.

Ngậm trái đắng vì ham combo du lịch giá rẻ -0
Vụ 144 khách du lịch ra đến sân bay để đi Phú Quốc nhưng không có vé đang làm dậy sóng giới bán combo du lịch.

Tự biến mình thành “con mồi” béo bở

Để chuẩn bị cho gia đình đi du lịch Sapa, chị Lê Bình Thủy (Hà Đông, Hà Nội) lên mạng xã hội săn tour giá rẻ. Sau khi khảo sát, chị Thủy quyết định mua combo Sapa 3 ngày, 2 đêm trên một hội nhóm thanh lý voucher, bán tour du lịch với giá 10 triệu đồng dành cho 3 người, bao gồm bữa sáng.

Chưa kịp vui mừng vì đặt được tour giá rẻ, ưng ý thì gia đình chị Thủy gặp “ác mộng”. Lên đến Sapa, chị không tìm được tên khách sạn mà mình đã đặt phòng. Chị Thủy lại: “Tôi thực sự rơi vào khủng hoảng khi lên đến nơi mà không thấy khách sạn mình đặt phòng. Ngay lúc đó tôi có gọi điện cho người bán nhưng không liên lạc được. Họ chặn từ số điện thoại, Zalo, Facebook của tôi. Lúc này tôi mới nhận ra mình bị lừa, đành cắn răng tìm khách sạn khác để thuê”.

Ngậm trái đắng vì ham combo du lịch giá rẻ -0
Chị Lê Bình Thủy đã mất 10 triệu đồng vì săn tour giá rẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Dũng (Thái Bình) lên mạng xã hội đặt tour cho 3 ngày đi Đà Nẵng, tour này gồm vé máy bay, phòng đặt (qua một bên thứ 3) để nhận ưu đãi. Sau khi tham khảo một số nơi, nơi này có giá hợp lý nhất nên anh Dũng đã chọn. Theo yêu cầu, anh Dũng phải thanh toán 80% tổng số tiền trước khi nhận được mã đặt phòng. Thấy người bán tư vấn nhiệt tình nên anh Dũng đồng ý chuyển tiền luôn và người bán cũng mất hút kể từ khi tài khoản của anh bị trừ tiền. “Khi bị lừa, tôi mới biết là trên các nhóm combo du lịch lại có nhiều người bị lừa đến thế. Chúng đưa ra tour giá rẻ hơn rất nhiều so với những công ty lữ hành khác, vì lòng tham, ham rẻ nên rất nhiều người dính lừa”, Dũng chia sẻ.

Cùng chung bức xúc, chị Lê Thị Hằng, có tìm một combo cho chuyến du lịch tại Phú Quốc, từ ngày 21 đến 24-5 đặt trên mạng xã hội và được một tài khoản tên “Van Truong” tư vấn. Người này tư vấn cho chị Hằng combo với vé máy bay kèm 1 đêm nghỉ tại resort cao cấp 5 sao với giá chỉ 3 triệu đồng/người lớn và 1,5 triệu đồng/trẻ em. Người này có gửi mã đặt chỗ máy bay, khách sạn và yêu cầu chị Hằng thanh toán đủ combo cho 5 người lớn và 1 trẻ em.

Để tăng độ tin cậy, tài khoản kia còn gửi cho chị Hằng ảnh về những giao dịch thành công trước đó và cả chứng minh thư (không trùng tên tài khoản mạng). Chị Hằng khá cẩn thận, có xác nhận với hãng hàng không và khách sạn, sau đó có chuyển số tiền là 17 triệu cho người này vào số tài khoản có tên trùng với trên chứng minh thư. Chị Hằng bức xúc cho biết: “Việc đặt vé máy bay qua trung gian tôi làm nhiều lần rồi. Thế nhưng lần này, 1 ngày sau khi chuyển tiền tôi vẫn chưa nhận được thông báo xác nhận từ hãng bay. Khi tôi hỏi lại thì được một người thông báo vé bị hủy vì không thanh toán trong 24h.

Còn về phía khách sạn 5 sao, khi chị liên hệ để xác nhận có phòng được đặt đúng như mã vé. Việc mã vé đã được thanh toán chưa thì phía khách sạn không trả lời. Tôi đã gửi đơn tố giác tới công an để lấy lại tiền cho tôi. Tôi biết có khá nhiều người bị lừa như tôi”.

Làm gì để tránh bị lừa đảo?

Tối ngày 7-6 vừa qua, trong giới kinh doanh combo du lịch Việt Nam đồng loạt chia sẻ thông tin về một vụ lừa đảo khiến đoàn khách 144 người đi Phú Quốc (Kiên Giang) gặp sự cố ra sân bay mới biết không có vé. Đáng nói, rất nhiều người trong hội nhóm này cũng chia sẻ thêm một vài thông tin khác về những vụ việc lừa đảo tương tự.

Ngậm trái đắng vì ham combo du lịch giá rẻ -0
Trên các diễn đàn săn tour du lịch liên tục có các trạng thái của người mua tố bị lừa.

Trên các hội, nhóm du lịch, nhiều khách hàng dính “bẫy” bởi những lời mời chào mua tour du lịch giá rẻ 3 ngày, 2 đêm hoặc 4 ngày, 3 đêm đến các điểm du lịch như: Đà Nẵng, Côn Đảo, Phú Quốc, Quy Nhơn... với giá chỉ từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người, bao gồm vé máy bay khứ hồi, ăn sáng và ở khách sạn hạng sang. Theo những nạn nhân chia sẻ trên các hội nhóm thì các đối tượng thường dùng tài khoản Facebook ảo, tên và ảnh người khác, tự xưng là nhân viên/cộng tác viên công ty du lịch. Sau khi lừa khách chuyển tiền vào tài khoản cho mình với lời hẹn ngày nhận mã vé và code phòng khách sạn, đối tượng biến mất. Với thủ đoạn tinh vi, sau khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng thường khóa tài khoản mạng xã hội, chặn hoặc hủy thông tin liên lạc, cơ quan chức năng khó quản lý, truy vết và xử phạt. Còn khách hàng chỉ khi bị lừa mất tiền hoặc đã dùng xong các dịch vụ không như quảng cáo thì mới biết mình bị lừa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thực hiện các giao dịch hầu như đều thông qua mạng xã hội, người bán dễ dàng “chốt đơn” chỉ sau vài tin nhắn, người cần tìm combo đăng bài và chỉ vài phút sau, rất nhiều người bán sẽ tự động nhắn tin quảng cáo, tư vấn tới họ. Chính vì vậy, người mua dễ bị những đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo. Chúng không cần đăng tin rao bán mà chỉ cần có khách hỏi mua sẽ tự động nhắn tin mời chào. Do đó, việc kiểm soát những thành phần này cũng rất khó cho người quản lý.

Ông Phạm Đình Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Vietnam Unique Tours cho hay: “Hiện nay, các đối tượng lừa đảo “tour du lịch giá rẻ” hoạt động mạnh hơn do người dân có nhu cầu cao. Lợi dụng tâm lý ham giá rẻ, dịch vụ tốt và tình trạng khan hiếm phòng ở các điểm du lịch, đối tượng thường dùng hình ảnh khách sạn hạng sang, tour du lịch thú vị, cảnh quan đẹp để quảng cáo vào những hội, nhóm và giao dịch thông qua tin nhắn riêng nên rất khó kiểm soát”.

Ngậm trái đắng vì ham combo du lịch giá rẻ -0
Một nhóm trên mạng xã hội chuyên săn tour du lịch giá rẻ đang rất hot hiện nay

Ông Hà đưa ra lời khuyên, trước khi quyết định đặt combo du lịch/khách sạn tại bất kỳ đơn vị nào, khách hàng nhất định phải thực hiện các biện pháp như kiểm tra thông tin đăng ký kinh doanh. Khi đó, bạn sẽ biết cụ thể về thời gian thành lập doanh nghiệp, cũng như các ngành nghề mà công ty đó thực hiện, để biết được công ty đó có chuyên về dịch vụ mà bạn đang định sử dụng không. Tiếp theo là kiểm tra các kênh mạng xã hội của công ty. Một fanpage được thành lập lâu đời, cộng thêm có lượng review trải đều từ thời kỳ mới thành lập sẽ có tính uy tín cao hơn. Để chắc chắn hơn, bạn nên đến trực tiếp trụ sở, văn phòng của công ty. Khi đó bạn không chỉ có cái nhìn chính xác về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên của công ty. Nếu một công ty, đại lý không uy tín sẽ có địa chỉ không rõ ràng.

Theo luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Intelia, người mua cần phải hết sức cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo này. Khách hàng phải lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình mua combo như thanh toán, mail, tin nhắn... Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp combo làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé và các chi phí phát sinh khác, trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý. Đặc biệt, nếu thấy có dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình báo với Cơ quan công an để được hỗ trợ bảo về quyền lợi hợp pháp. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, thông qua công tác nắm tình hình cũng cần kiểm tra, xác minh tổ chức, cá nhân cung cấp combo du lịch giá rẻ bất thường để phát hiện, kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, khi triển khai chương trình kích cầu du lịch thì trong quá trình đi làm việc với các địa phương, chúng tôi cũng thấy tình hình lộn xộn; tình trạng nhiều người, đơn vị bán combo không có chức năng. Những đơn vị sau thời gian giãn cách xã hội, cho nhân viên nghỉ nên chất lượng cũng chưa được đảm bảo. Tổng cục Du lịch cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát kiểm tra lại tất cả các hoạt động kinh doanh du lịch, phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách du lịch và đặt mục tiêu khách du lịch lên hàng đầu.

Vì chiêu thức lừa đảo tinh vi, các đối tượng lập nên kênh bán vé và sau khi đạt được mục đích đã vào mạng tự khóa, hủy trang mạng nên cơ quan chức năng cũng khó khăn trong quản lý, xử phạt. Để tự bảo vệ mình, du khách nên cảnh giác trước những chương trình tour giá rẻ và nên chọn những thương hiệu du lịch uy tín, đáng tin cậy.

 

(Theo An Ninh Thế Giới)

Muôn kiểu lừa đảo mùa cao điểm du lịchKỳ nghỉ hè lại đến trong sự háo hức của những du khách. Tuy nhiên, nhiều kẻ gian cũng đã sẵn sàng cho những chiêu trò để lừa đảo chuộc lợi.