Tỷ lệ cho vay bất động sản phần nào nói lên “khẩu vị” của các ngân hàng khi tỷ lệ này luôn nằm trong Top 3 theo ngành nghề kinh doanh được ngân hàng giải ngân.
Trong số các ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023, chỉ có 12 ngân hàng minh bạch về tỷ lệ cho vay đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) thông qua Phân tích dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh.
Danh sách 12 ngân hàng này theo thứ tự giảm dần về tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 30/6 gồm: Techcombank (33,68%), VietBank (17,98%), VPBank (15,22%), SHB (14,84%), HDBank (12,05%), MSB (8,82%), TPBank (7,75%), Saigonbank (6,62%), KienLong Bank (6,47%), MB (5,75%), PG Bank (4,81%), và VIB (0,72%).
Trong số đó, 8 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ cho vay bất động sản tăng so với thời điểm cuối năm 2022.
Tỷ lệ này giảm nhẹ tại 4 ngân hàng: VietBank (giảm 2,62%), KienLong Bank (giảm 0,08%), PG Bank (giảm 2,84%), và VIB (giảm 0,14%).
Với gần 154.000 tỷ đồng dư nợ cho các doanh nghiệp vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 30/6, Techcombank dẫn đầu thị trường về con số tuyệt đối cũng như tỷ lệ cho vay trên tổng dư nợ (33,68%).
Tỷ lệ này đã tăng 7,23% so với thời điểm cuối năm 2022, đồng thời chiếm đến 60% tổng dư nợ cho vay bất động sản của cả 12 ngân hàng nói trên.
Đáng chú ý, con số trên chỉ là cho vay đối với doanh nghiệp, chưa tính dư nợ cho vay đối với khách hàng cá nhân. Techcombank, cũng như MSB tách riêng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân trong bảng phân tích dư nợ cho vay theo ngành.
Trong khi đó tỷ lệ này tại MSB là 8,82%, gần như không đổi so với cuối năm ngoái.
Xét về tỷ lệ cho vay BĐS trên tổng dư nợ, VietBank đứng thứ hai với tỷ lệ lên đến 20% tổng dư nợ.
Tiếp đến là VPBank (14,39%), SHB (8,33%), HDBank (8,49%) và MSB (8,75%).
Tại VPBank, ngoài 14,39% tín dụng cho vay kinh doanh BĐS, nhà băng này còn cho vay hơn 88.000 tỷ đồng (chiếm 21,18%) đối với khách hàng cá nhân để mua nhà ở. Do đó, nếu tính gộp cả cho vay BĐS đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, tỷ lệ này lên tới 36,4% tổng dư nợ.
Điều bất ngờ là dư nợ cho vay BĐS tại VIB chỉ 0,72%, thấp nhất trong số các ngân hàng kể trên.
Lĩnh vực được VIB ưu tiên đặc biệt là “Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình”, đạt 197.000 tỷ đồng, chiếm 84% tổng dư nợ của VIB.
CHO VAY BĐS ĐẾN 30/6/2023 TẠI 12 NGÂN HÀNG CÔNG BỐ | ||||
STT | NGÂN HÀNG | DƯ NỢ (tỷ đồng) | TỶ LỆ (%) | SO VỚI CUỐI 2022 (%) |
1 | TECHCOMBANK | 153.692 | 33,68 | 7,23 |
2 | VIETBANK | 12.323 | 17,98 | -2,62 |
3 | VPBANK | 63.553 | 15,22 | 0,83 |
4 | SHB | 58.437 | 14,84 | 6,51 |
5 | HDBANK | 32.775 | 12,05 | 3,56 |
6 | MSB | 11.943 | 8,82 | 0,07 |
7 | TPBANK | 13.731 | 7,75 | 1,44 |
8 | SAIGONBANK | 1.191 | 6,62 | 0,95 |
9 | KIENLONGBANK | 3.090 | 6,47 | -0,08 |
10 | MB | 28.161 | 5,75 | 0,84 |
11 | PG BANK | 1.455 | 4,81 | -2,84 |
12 | VIB | 1.700 | 0,72 | -0,14 |
Đáng chú ý nhóm Big4 ngân hàng thương mại nhà nước, gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank không công khai dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản trong báo cáo tài chính quý II.
Còn nhớ tại một hội nghị về tín dụng bất động sản diễn ra hồi đầu năm 2023, lãnh đạo các ngân hàng đã chia sẻ về dư nợ cho vay BĐS tính đến cuối năm 2022.
Theo đó, hết năm 2022, tổng dư nợ cho vay BĐS tại BIDV là 275.000 tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng dư nợ tín dụng, trong đó dư nợ cho vay đối với khách hàng cá nhân là 217.000 tỷ đồng.
Tại Vietcombank, đến hết 31/12/2022, cho vay BĐS khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm trên 20% tổng dư nợ, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển BĐS và khách hàng cá nhân mua nhà.
Về đối tượng khách hàng, dư nợ cho vay BĐS đối với khách hàng cá nhân tại Vietcombank chiếm khoảng 90% tổng tín dụng cho BĐS.
Còn tại VietinBank, dư nợ cho vay BĐS tại thời điểm cuối năm 2022 là 265.477 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ.