Văn phòng Chính phủ vừa có công điện về việc tổ chức hội nghị trực tuyến về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Hội nghị diễn ra vào lúc 14 giờ, hôm nay (3/8).
Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Về phía Quốc hội có mời Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật dự họp.
Thành phần được mời dự hội nghị còn có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
Tham gia hội nghị còn có sự góp mặt của 6 ngân hàng lớn Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Techcombank, MBbank cùng hàng loạt Tập đoàn đầu ngành bất động sản như Vingroup, SunGroup, Novaland, GP.Invest, Ecopark, Geleximco, Hoàng Quân, Becamex IDC, Hưng Thịnh…
Các Tổng công ty HUD, Handico, UDIC, Hancorp cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp như Vinaconex, Hòa Bình.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng được mời dự hội nghị.
Tăng nguồn cung nhà ở xã hội, đề xuất lãi suất giảm thêm
Nêu tại báo cáo gửi hội nghị, Bộ Xây dựng cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP đã đạt được kết quả từ tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế đến nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…
Kết quả tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Tổ công tác đã nhận được 112 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 174 dự án bất động sản. Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý 112 văn bản.
Tại TP.HCM, Tổ công tác đã làm việc, để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 180 dự án nhà ở, khu đô thị.
Theo thông tin của Sở Xây dựng, đến nay, TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu). Trong đó, có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác, 39 dự án qua rà soát của địa phương.
Tại Hà Nội, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án nhà ở, khu đô thị.
Thông tin từ Sở Xây dựng, đến nay, Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu). Hiện thành phố đang tiếp tục chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án…
Về việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, trong giai đoạn 2021-2025, đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân với quy mô xây dựng khoảng 19.500 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.500 căn.
Riêng trong 7 tháng đầu năm nay, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 10 dự án với tổng số khoảng 20.000 căn.
Về nguồn vốn tín dụng, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng; nhiều lần hạ lãi suất điều hành. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng tăng cường tiết kiệm chi phí qua đó từ đầu năm đến nay lãi suất cho vay đã hạ từ 0,5-2% và cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định.
Tuy nhiên, Bộ cho biết, các doanh nghiệp phản ánh lãi suất cho vay vẫn còn cao và còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, vay vốn từ các tổ chức tín dụng.
Bộ Xây dựng đề xuất, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Bên cạnh đó, có giải pháp, biện pháp để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn.
Ngoài ra, NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
Về phía Bộ Xây dựng, sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 để tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người lao động có nhu nhập thấp có thể tiếp cận…
Việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cho thị trường bất động sản phải quán triệt đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết; chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết.