Huy động vốn dài hạn
Agribank vừa thông báo về đợt phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu năm 2023 nhằm có thêm nguồn vốn dài hạn. Trái phiếu có kỳ hạn 8 năm, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, được trả lãi định kỳ mỗi năm một lần.
Lãi suất trái phiếu Agribank được tính bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ được niêm yết của 4 ngân hàng BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất) cộng biên độ 2%/năm. Ở thời điểm hiện tại, lãi suất trái phiếu của Agribank lên đến 7,25%/năm.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng tài sản của Agribank đạt 1,9 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn đạt 1,8 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,5 triệu tỷ đồng.
Các ngân hàng khác cũng chạy đua phát hành trái phiếu để phục vụ mục tiêu dài hạn. VietinBank thông báo vừa chào bán thành công trái phiếu ra công chúng đợt 2 kỳ hạn 8 năm và 10 năm.
Tổng giá trị trái phiếu chào bán đợt 2 là 4.000 tỷ đồng tính theo mệnh giá, trong đó 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm, 2.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Sau đợt chào bán, tổng số tiền thu về là 3.092 tỷ đồng.
Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 8 năm bằng lãi suất tham chiếu + 1,2%/năm, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm bằng lãi suất tham chiếu + 1,3%/năm. Trong đó, lãi suất tham chiếu là lãi suất bình quân tiền gửi tiết kiệm VND, trả sau, kỳ hạn 12 tháng.
Theo kết quả chào bán, có 1.171 nhà đầu tư cá nhân và 45 nhà đầu tư tổ chức mua trái phiếu kỳ hạn 8 năm. 441 nhà đầu tư cá nhân và 44 nhà đầu tư tổ chức mua trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Tính đến 1/11 tổng nợ trái phiếu chưa đến hạn của VietinBank là xấp xỉ 40.000 tỷ đồng.
Theo thông báo của VietinBank về lãi suất trái phiếu cho kỳ tính lãi 18/11 đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm (2021 – 2031) là 6,25%/năm, cao hơn lãi suất tham chiếu 1%/năm.
Lãi suất tham chiếu được VietinBank xác định là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân trả sau, kỳ hạn 12 tháng (hoặc mức lãi suất của kỳ hạn tương đương) được công bố trên trang thông tin điện tử chính thức của VietinBank, BIDV, Vietcombank và Agribank.
Với cách tính lãi suất tham chiếu như trên, có thể thấy việc 4 ngân hàng này quyết định lãi suất huy động (kỳ hạn 12 tháng) như thế nào sẽ có ảnh hưởng lớn đến cục diện lãi suất trái phiếu của các tổ chức này.
Trái phiếu ngân hàng có hấp dẫn?
Đầu tư trái phiếu là kênh đầu tư phù hợp với sự lựa chọn của nhiều đối tượng khách hàng, nhất là khi lãi suất tiết kiệm đang ngày một giảm dần.
Riêng trong quý 3 vừa qua, BIDV đã phát hành được 700 tỷ đồng trái phiếu, trong đó 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 20 năm với lãi suất 7,7%/năm. Ngân hàng ACB phát hành được 6.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất 6,5%/năm.
Ngân hàng MSB phát hành được 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất 7,5%/năm. Ngân hàng Bắc Á phát hành được 800 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6,5%/năm. Ngân hàng HDBank phát hành được 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm.
Cũng trong quý III, VietinBank phát hành được 2.500 tỷ đồng, Techcombank phát hành được 6.000 tỷ đồng.
Mới đây, LPBank đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu đợt 5 trong tổng số 5 đợtt phát hành với tổng cộng 4.500 tỷ đồng.
Ngày 25/10, BIDV công bố phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh theo nguyên tắc Trái phiếu Xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) tại thị trường trong nước. Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phù hợp với khung trái phiếu xanh của BIDV.
Trái phiếu này xếp hạng bởi Moody’s, không tài sản bảo đảm, không phải nợ thứ cấp và không cần bảo lãnh thanh toán, thể hiện mức độ tín nhiệm cao về năng lực và uy tín của tổ chức phát hành. Nhà đầu tư tham gia giao dịch đều là các công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ thuộc các tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới.