Gần đây, các ngân hàng thuộc nhóm Big4 (Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV) tiếp tục đẩy mạnh tín dụng xanh, đồng thời cam kết sẽ tăng nguồn vốn cho các lĩnh vực thân thiện môi trường.
Theo bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank tính đến 31/10/2023 đạt hơn 12.098 tỷ đồng, với gần 42.000 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực lâm nghiệp bền vững khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghiệp...
Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình chính sách và 2 chương trình quốc gia trong xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết xây dựng phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải.
Agribank tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện mục tiêu đến năm 2030 hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững.
Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV, cho hay ngân hàng đã triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực xanh với lãi suất cho vay cạnh tranh (thấp hơn đến 1%/năm). Đồng thời, BIDV cũng triển khai gói tín dụng 3.500 tỷ đồng để cho vay mua ô tô điện.
Tháng 10/2023, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển dịch xanh, BIDV triển khai gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng với các ưu đãi hấp dẫn về lãi suất, chính sách tài sản đảm bảo và tỷ giá. Hiện toàn bộ dư nợ phát sinh đều là tài trợ cho các doanh nghiệp dệt may đạt các tiêu chuẩn/chứng chỉ bền vững quốc tế.
Tính đến ngày 30/11/2023, BIDV đã tài trợ cho trên 1.500 khách hàng với 1.900 dự án/phương án tín dụng xanh. Tổng dư nợ đạt trên 73.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% tổng dư nợ của BIDV. Trong đó, chủ yếu là lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm trên 80%), tiếp đến là lĩnh vực bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục môi trường sinh thái và phòng chống thiên tai (chiếm khoảng 10%)…
Tại VietinBank, lãnh đạo nhà băng này khẳng định việc thực hành phát triển bền vững, thúc đẩy tài chính bền vững, tài chính khí hậu là một trọng tâm trong hoạt động và đã phát triển các sản phẩm đặc thù.
Sau COP28, VietinBank ra mắt gói tài chính xanh dành cho các dự án mang lại lợi ích về môi trường và xã hội. Từ ngày 5/1-31/12, VietinBank dành 5.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5,8%/năm để cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho các phương án, dự án mang lại lợi ích về môi trường và xã hội thuộc các lĩnh vực như: năng lượng xanh, xuất khẩu xanh (dệt may, vải, da giày, cà phê, gạo, gỗ, thủy sản), công trình xanh…
Tương tự, Vietcombank tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh. Trong giai đoạn 2018-2021, tổng dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank tăng mạnh qua các năm, từ con số hơn 7.890 tỷ đồng năm 2018 lên đến gần 18.400 tỷ đồng đến hết năm 2021.
Ngày 29/3/2023, Vietcombank và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã ký kết hợp đồng tài trợ vốn 300 triệu USD để hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo. Khoản vay sẽ hỗ trợ cho các dự án năng lượng xanh và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Đến ngày 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh trên toàn hệ thống đạt gần 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). |