Chính sách tín dụng xanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tạo dựng “sức sống” cho các chính sách phát triển KTTH thì cách tiếp cận tuần tự, truyền thống là không đủ. Bối cảnh phục hồi kinh tế cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy “phục hồi xanh”. Theo đó, một nhiệm vụ quan trọng để sớm cụ thể hóa các định hướng này là xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH.
Tại dự thảo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra các chính sách liên quan tín dụng xanh và trái phiếu xanh.
Theo cơ quan này, các quy định về tín dụng xanh còn thiếu. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng ngần ngại trong việc cung ứng tín dụng xanh, do khung pháp lý chưa thật rõ ràng. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tín dụng được phân bổ cho các ngân hàng theo từng năm, có thể ảnh hưởng đến việc các dự án KTTH phải cạnh tranh với các dự án vay đầu tư sản xuất kinh doanh thông thường khác, qua đó giảm khả năng tài trợ tín dụng cho các dự án KTTH.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp để giải quyết vấn đề.
Đó là dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm được cấp giấy chứng nhận đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm được tiếp cận, huy động, vay vốn ưu đãi, vay vốn không bảo lãnh chính phủ đối với các khoản tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, quỹ đầu tư phát triển tỉnh, các quỹ an sinh xã hội, quỹ môi trường, quỹ phát triển xanh, quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức, định chế tài chính. Tín dụng cấp cho dự án kinh tế tuần hoàn xanh toàn phần không được tính trong chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phân bổ cho các tổ chức tín dụng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải pháp này có thể giúp mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng xanh cho các dự án KTTH. Theo đó, các dự án KTTH có nhiều cơ hội được tài trợ hơn (đặc biệt là các dự án KTTH xanh toàn phần). Tác động kinh tế kèm theo là lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng việc làm và thu nhập cho người lao động (kể cả lao động nữ). Tác động môi trường bao gồm việc hiện thực hóa giải pháp giảm phát thải ròng.
Bên cạnh đó, tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh chưa phải quá lớn (ước tính ở mức 500.000 tỷ đồng trong năm 2022 nên có thể cân đối được giữa phương thức điều hành theo chỉ tiêu tín dụng của NHNN và tạo không gian cho các dự án KTTH.
Cần chính sách cho trái phiếu xanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng: Các quy định về trái phiếu xanh còn thiếu. Bản thân các định chế tài chính cũng ngần ngại trong việc đầu tư vào trái phiếu xanh, do khung pháp lý chưa thật rõ ràng.
Do đó, cần có chính sách để tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn thông qua trái phiếu xanh cho các dự án KTTH.
Bộ này đề xuất dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm được tiếp cận vốn thông qua trái phiếu xanh, song có đặt ra các giới hạn cụ thể và bảo đảm các quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải pháp này có thể giúp mở rộng cơ hội tiếp cận trái phiếu xanh cho các dự án KTTH. Theo đó, các dự án KTTH có nhiều cơ hội được tài trợ hơn. Tác động kinh tế kèm theo là lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng việc làm và thu nhập cho người lao động (kể cả lao động nữ). Tác động môi trường bao gồm việc hiện thực hóa giải pháp giảm phát thải ròng.
Cơ quan này cũng cho rằng phát triển KTTH cũng đòi hỏi phải có các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển KTTH, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình KTTH theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực, địa phương; tránh áp dụng rập khuôn, đồng nhất KTTH cho toàn bộ nền kinh tế.