Đường cùng mới phải sa thải lao động
Bạn tôi là chủ doanh nghiệp may mặc ở Thanh Hóa, trong thời gian đại dịch Covid-19, anh vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất để chờ thị trường phục hồi dù rất khó khăn.
Thế nhưng sau đại dịch, thị trường nhập khẩu ngưng trệ, thị trường trong nước tiêu thụ chậm nên quần áo sản xuất ra không tiêu thụ được như kế hoạch. Không còn cách nào khác anh bạn tôi buộc phải sa thải gần 100 lao động, số còn lại chỉ khoảng 50 người phải chấp nhận giảm lương, giảm giờ làm.
Anh chia sẻ với tôi, sa thải công nhân là quyết định cực kỳ khó khăn và đau đớn vì họ vừa rất thạo việc vừa rất tình cảm vì gắn bó đã lâu. Song, công ty không còn tiền chi trả lương, duy trì hoạt động sản xuất nên anh buộc phải thực hiện giải pháp cuối cùng này.
Câu chuyện của doanh nghiệp bạn tôi chỉ là phần nối dài của nhiều doanh nghiệp khác, ví dụ Công ty TNHH PouYuen Việt Nam tại TP.HCM sa thải gần hơn 5.700 lao động.
Dù Chính phủ và các bộ, ngành đã có chính sách hỗ trợ người lao động, nhưng doanh nghiệp sản xuất có quy mô từ nhỏ đến lớn đều đang rất khó khăn nên có lẽ cần thêm các giải pháp cụ thể, nhanh chóng và hiệu quả để hỗ trợ họ và ngăn làn sóng sa thải người lao động.
Nhìn vào con số công bố 5 tháng đầu năm của Bộ LĐTB&XH, tại 40 tỉnh, TP trên cả nước có tới 500 nghìn lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm… Trong đó có 237 nghìn người lao động bị mất việc, thôi việc.
Tình trạng lao động bị mất việc, giảm việc tập trung tại một số tỉnh, thành lớn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: TP.HCM (44,9 nghìn người), Đồng Nai (69,4 nghìn người), Bình Dương (80,4 nghìn người), Hà Nội (64,6 nghìn người), Bắc Giang (27,5 nghìn người), Bắc Ninh (14 nghìn người); khu vực miền Trung có Thanh Hóa (12,7 nghìn người)…
500.000 người mất việc làm, theo công bố chính thức, có lẽ không vẽ nên đủ bức tranh lao đông ở nước ta. Nhưng, phía sau đó là 500.000 gia đình với con cái đang có mức sống giảm sút, tổn tương và thậm chí không đủ trang trải những chi phí tối thiểu hàng ngày.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề thiếu đơn hàng diễn ra từ quý 4/2022 và tiếp tục kéo dài sang quý 2/2023, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.
Mà đó mới là thống kê ở khu vực doanh nghiệp có đăng ký chính thức. Còn biết bao thân phận của người làm công ăn lương ở khu vực kinh tế hộ gia đình đã đi đâu về đâu khi các tiệm tạp hóa, chợ truyền thống hay các cửa hàng ở trung tâm thương mại đóng cửa.
Giải cứu doanh nghiệp, kích cầu tạo việc làm
Có thể thấy đa số lao động mất việc chủ yếu là lao động giản đơn tập trung tại các ngành sản xuất da giày, may mặc, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ lâm sản. Đa số đều khó khăn, trải qua đợt dịch Covid-19 kéo dài khả năng tích cóp của họ có hạn nên khi bị mất việc dễ bị tổn thương.
Nhiều người sau khi mất việc nghĩ ngay đến việc rút BHXH một lần, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách an sinh xã hội. Do vậy, để hỗ trợ người lao động, trước mắt chính sách bảo hiểm xã hội cần có sự hỗ trợ kịp thời từ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp và các chương trình an sinh khác. Điều này sẽ giúp bảo vệ người lao động khỏi tác động tiêu cực sau khi bị sa thải, cho phép họ có thời gian và cơ hội tìm kiếm việc làm mới.
Ngoài ra, thông qua tổ chức tín dụng, công đoàn có thể tạo điều kiện cho người lao động vay với lãi suất ưu đãi để giải quyết khó khăn trước mắt và tìm việc làm mới.
Mới đây Tổ chức tài chính vi mô CEP thuộc Liên đoàn lao động TP.HCM dành hơn 50.000 tỷ đồng cho 1,41 triệu lượt công nhân 9 tỉnh, thành phía Nam vay lãi suất thấp, tránh "tín dụng đen" được xem là chính sách kịp thời hỗ trợ người lao động khó khăn.
Bên cạnh giải pháp trước mắt, thì về lâu dài cần phải xem đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như là giải pháp chiến lược để nâng cao kỹ năng và trình độ của người lao động.
Thực tế lao động dễ bị sa thải chủ yếu là lao động giản đơn, khi trình độ sản xuất không ngừng được nâng cao thì việc đào tạo và nâng cao kỹ năng trong lao động sản xuất sẽ giúp người lao động thích nghi với các thay đổi công nghệ và sự chuyển đổi trong nền kinh tế.
Để giải quyết bài toán sa thải lao động, thì việc “cứu” doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay đã được Chính phủ thực hiện qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ rõ thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp cần tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng…
Về dài hạn, cần tiếp tục tham gia các Hiệp định kinh tế để có thêm cơ hội việc làm cho doanh nghiệp, người lao động; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm sang thị trường các nước. Thực hiện các giải pháp này để hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động và đảm bảo quyền lợi bền vững cho người lao động.
Một điều rất quan trọng là cần sớm có các chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp đến người lao động và có thêm các khoản hỗ trợ về tài khóa với các doanh nghiệp.
Vũ Điệp