Vào viện vì sở thích ăn rau sống 

Cô gái 26 tuổi, ở Quảng Bình đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khám sau một thời gian dài thường xuyên bị ngứa ngoài da. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nữ bệnh nhân này bị nhiễm 7 loại giun sán phổ biến, gồm sán lá gan nhỏ, sán lợn, sán dây chó, sán lá phổi, sán máng, giun lươn và giun đũa chó, mèo.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp của bệnh viện, cho biết nữ bệnh nhân chia sẻ không có thói quen ăn các loại thịt sống, gỏi nhưng thường xuyên ăn rau sống.

"Rau sống không được vệ sinh kỹ có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân này nhiễm trứng giun sán", bác sĩ Thiệu cho biết.

Không chỉ trường hợp này, bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm giun sán do thói quen sinh hoạt, ăn uống không bảo đảm vệ sinh. Các bệnh nhân thường nhiễm cùng lúc nhiều loại giun sán khác nhau.

Ba tháng đầu năm 2023, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận và điều trị 172 ca bệnh áp xe gan do sán lá gan lớn. Toàn bộ bệnh nhân đều có thói quen ăn rau sống. 

Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội), cơ sở y tế chuyên ngành ký sinh trùng, các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân vào viện do thói quen ăn uống thiếu đảm bảo an toàn thực phẩm.

Điển hình là chị P.T.D (27 tuổi, Lạng Sơn). Chị được bác sĩ ở địa phương chẩn đoán tổn thương gan nghi do ký sinh trùng. Bác sĩ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ kết luận bệnh nhân mắc sán lá gan lớn. 

Nữ bệnh nhân chia sẻ có thói quen thích ăn rau sống, đặc biệt yêu thích lá diếp cá và xà lách. Khi làm rau sống, cô thường xuyên rửa sạch rau rồi ngâm với nước muối. Vì thế cô gái trẻ rất bất ngờ vì mình đã rửa rau rất sạch nhưng vẫn nhiễm ký sinh trùng.

Cách ăn rau sống để đảm bảo an toàn thực phẩm

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), rau sống với đa dạng các loại rau gia vị cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng. Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Ngoài ra các loại rau thơm còn cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật.

Nhưng nếu rau sống không đảm bảo vệ sinh (tưới bón phân tươi, phân bắc hay phân chuồng chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng qui định...) lại là món ăn mang theo mầm bệnh làm cho người ăn dễ bị viêm nhiễm đường tiêu hóa, bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp tính và mạn tính.

W-rau-song-1.jpg
Rửa trực tiếp từng lá rau dưới vòi nước chảy là biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh. Ảnh: Hoàng Linh

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, để đảm bảo rau sạch cần nhặt sạch rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch. Rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy là biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hóa chất trừ sâu còn bám trên lá rau. 

Việc ngâm rau sống vào dung dịch thuốc tím loãng (thường là dung dịch thuốc tím 1%) hoặc nước muối loãng đều không đảm bảo loại trừ sạch mầm bệnh. Qua một số thí nghiệm cho thấy trong môi trường thuốc tím, nước muối loãng thì không có tác dụng gì với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh. Lượng hóa chất bảo vệ thực vật giảm đi không đáng kể nếu không rửa lại nhiều lần.

Như vậy, nên áp dụng cách rửa rau sống bằng nước sạch nhiều lần rồi vớt rau vẩy ráo trước khi ăn.

Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, giải thích 3 nguyên nhân rau trên cạn nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn:

- Rau trồng gần nguồn nước nhiễm ký sinh trùng, ấu trùng sán lá gan cư trú lên các loài rau này. 

- Người dân lấy nguồn nước không an toàn tưới lên rau vô tình nhiễm phải ký sinh trùng này.

- Người bán rau bày bán các loại rau sống cùng nhau. Quá trình tiếp xúc cũng khiến các loại rau cạn nhiễm ký sinh trùng từ rau thủy sinh.

 Hoàng Linh