Một số người bạn tư vấn tôi có thể ăn rau diếp cá mỗi ngày để giảm mụn nhọt và bệnh trĩ. Trước nay, tôi nghĩ đây là rau ăn kèm, hơi tanh, chưa nghe về công dụng chữa bệnh. Tôi lo nếu ăn quá nhiều sẽ có hại, rất mong được bác sĩ tư vấn. (Nguyễn Thị Lan, 40 tuổi).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, tư vấn:
Cây diếp cá còn có tên là dấp cá, ngư tinh thảo, tên khoa học là Houttuynia cordata. Diếp cá có vị chua, tính mát.
Về thành phần hóa học, toàn cây diếp cá chứa tinh dầu, chủ yếu là aldehyd và dẫn xuất nhóm ceton như methyl-n-nonyl ceton, l-decanal, l-dodecanal (những chất không có tác dụng kháng khuẩn), 3-oxo dodecanal (chất có tác dụng kháng khuẩn).
Ngoài ra, loại cây này còn chứa acid caprinic, laurinaldehyd, benzamid, acid hexadecanoid, acid decanoic, acid palmetic, lipid và vitamin K…
Diếp cá có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, sát trùng. Cây được dùng trị bệnh trĩ, mụn nhọt, viêm phổi hoặc phổi có mủ, đau mắt đỏ hoặc đau mắt do trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, bí tiểu tiện, kinh nguyệt không đều.
Ở Trung Quốc, diếp cá dùng trong trường hợp bị viêm mủ màng phổi, trong thử nghiệm điều trị ung thư phổi hoặc đắp ngoài chữa dị ứng, mẩn ngứa, mề đay, chữa khó tiêu… Cao chiết của rễ diếp cá có tác dụng lợi tiểu do tác dụng của quercitrin và các muối vô cơ.
Ở Nepal, diếp cá được dùng trong một số chế phẩm chữa bệnh cho phụ nữ. Toàn bộ cây được coi như thuốc làm mát, tiêu độc. Lá được dùng trong chữa bệnh lỵ, bệnh lậu, bệnh về da và mắt.
Khi sử dụng chữa bệnh, lá diếp cá có thể dùng ăn sống, giã nát để đắp, hãm uống như nước trà, lọc lấy nước cốt... tùy theo từng loại bệnh và đối tượng khác nhau.
Với chị em phụ nữ, diếp cá có tác dụng làm đẹp da rất hiệu quả. Lá này có tính kháng khuẩn nên giúp làm các nốt mụn xẹp xuống và giảm tấy đỏ. Bạn có thể sử dụng diếp cá dưỡng da mềm mịn bằng cách rửa mặt bằng nước cốt, đắp mặt nạ giúp giảm nhờn, trị mụn, mờ vết thâm.