Từng “sớm nở, nhanh tàn”, giờ lại có hy vọng mới
Những câu chuyện Giáo sư – Tiến sĩ Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) kể tại tọa đàm “Chuỗi giá trị chip và cơ hội cho Việt Nam” do Tạp chí Tia sáng tổ chức mới đây khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Giáo sư Hoài cho biết: Việt Nam đã quan tâm đến bán dẫn từ rất sớm. Năm 1962, Giáo sư Đàm Trung Đồn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã nghiên cứu, giảng dạy về bán dẫn, và chế tạo ra Transistor (bóng bán dẫn). Năm 1974, Viện Vật lý xây dựng được một phòng thí nghiệm về bán dẫn, năm 1975 – 1976 chế tạo ra hàng loạt Transistor Silicon (bóng bán dẫn Silicon) bằng công nghệ Planar-Epitaxi. Những năm 1976 – 1977, quân đội cũng đầu tư thiết bị của Tây Âu và chế tạo ra bóng bán dẫn Silicon. Năm 1979, Nhà máy bán dẫn Z181 được thành lập, trở thành một trong những dấu mốc khởi đầu của lĩnh vực công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Nhìn sang Hàn Quốc, năm 1974, Samsung mới chế tạo ra bóng bán dẫn Silicon đầu tiên, và họ cũng chỉ lập nhà máy trước Z181 khoảng chừng 5 năm.
Tuy nhiên, tới đầu những năm 1990, khi Hàn Quốc với Samsung làm “đầu tàu” đã trở thành cường quốc về công nghiệp bán dẫn, thì rất tiếc là Nhà máy bán dẫn Z181 của Việt Nam lại dừng sản xuất, đội ngũ khoa học công nghệ “tinh hoa” về bán dẫn tại Việt Nam tan tác dần. Ngành bán dẫn Việt Nam quay trở về con số 0.
Hoài niệm quá khứ trong sự tiếc nuối, tuy nhiên, Giáo sư Hoài luôn tự hào rằng đã và vẫn đang có rất nhiều người Việt “siêu” giỏi về bán dẫn, vi mạch. Ông chia sẻ kỷ niệm cá nhân: “Năm 1984, tôi đến Mỹ, được dẫn vào 1 xưởng chế tạo ra CPU đầu tiên, thì thấy rất nhiều người Việt Nam. Rất nhiều bản thiết kế chip 6502 là của người Việt”.
“Trước đó, năm 1982, một công ty hoàn toàn của người Việt đã được thành lập ở Silicon Valley (Mỹ), có cả chi nhánh ở Sài Gòn, từ chủ tịch đến kỹ sư đều là người Việt. Họ nổi tiếng một thời về thiết kế chip. Tới năm 2018, công ty này bán lại nhà máy cho một công ty khác ở Silicon Valley với giá 250 triệu USD”, Giáo sư Hoài kể tiếp.
Dẫn dắt từ chuyện xưa tới chuyện nay, Giáo sư Hoài cho hay: Năm 2021, IBM công bố một dự án sản xuất chip 7nm, chứa khoảng 2 tỷ transistors, diện tích 600mm2. Dự án này được thực hiện trong 5 năm với tổng kinh phí đầu tư 300 triệu USD (riêng chi phí đầu tư nhân lực là 150 triệu USD), huy động sự tham gia của 43 tác giả gồm 30 tiến sĩ, 13 thạc sĩ thuộc các ngành: Điện, điện tử, khoa học máy tính, vật lý, toán, khoa học vật liệu, hóa, cơ khí, trong đó có 1 tác giả người Việt.
“Gần đây, Viettel công bố sản xuất thành công chip 5G, FPT Semiconductor cũng công bố sản xuất thành công chip vi mạch. Cá nhân tôi còn biết, một số doanh nghiệp nhỏ chỉ khoảng 4 – 5 người đang bắt đầu làm chip. Cùng với đó, một số startup được thành lập, đa phần là người trẻ từ nước ngoài về Việt Nam mở doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch. Nguồn nhân lực trẻ từ nước ngoài về rất sung sức, tuy còn ít nhưng Việt Nam lại có hy vọng về sự phát triển của ngành bán dẫn, vi mạch”, Giáo sư Hoài lạc quan nhận định.
Đồng quan điểm với Giáo sư Hoài, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng Khoa Điện tử, Trường Điện - Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội) hãnh diện khoe năng lực của “đội nhà”: “Một số con chip đã được kỹ sư Bách Khoa thiết kế, mặc dù chưa phải node công nghệ cao nhất nhưng cũng là những con chip có thể cạnh tranh, đều có patent (bằng sáng chế)”.
Ông Minh cung cấp thêm thông tin rằng cá nhân ông rất ấn tượng với 2 startup làm chip ở Việt Nam đang chọn hướng phát triển ở những thị trường ngách. Dù ở Việt Nam còn khá nhiều khó khăn khi chưa có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, nhân lực, hoặc các ưu đãi khác cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nhưng vẫn đang có một số doanh nghiệp vừa và nhỏ quyết định dấn thân vào lĩnh vực này.
Rộng mở nhiều cơ hội
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, có thể phân chia các vị trí việc làm trong ngành bán dẫn thành 4 nhóm với một số yêu cầu cụ thể về nhân sự như sau:
Nhóm “Thiết kế và R&D” với những nhiệm vụ chính gồm: Thiết kế, mô phỏng, kiểm chứng mạch điện tử tương tự số; hỗ trợ công cụ, phát triển quy trình thiết kế; nghiên cứu phát triển vật liệu, cấu trúc linh kiện. Nhóm này cần cử nhân điện tử - viễn thông, điện – điện tử; thạc sĩ thiết kế vi mạch; tiến sĩ bán dẫn, thiết kế vi mạch.
Nhóm “Sản xuất” đảm nhận vai trò quản lý thực hiện quy trình sản xuất wafer (đĩa bán dẫn) và chip; cần cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ các ngành: Điện, điện tử, vật liệu, vật lý kỹ thuật, kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, hóa học.
Nhóm “Đóng gói và kiểm thử” chịu trách nhiệm kiểm thử chip, quản lý chất lượng vật liệu, thành phần trong đóng gói và kiểm tra; cần cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ các ngành liên quan đến điện, điện tử, vật liệu, kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, hóa học, vật lý, tự động hóa.
Nhóm “Hỗ trợ ứng dụng” có chức năng hỗ trợ phát triển ứng dụng sử dụng chip, cần cử nhân điện tử - viễn thông, điện – điện tử, kỹ thuật máy tính.
Việt Nam hiện có khoảng 40 – 50 công ty thiết kế vi mạch với tổng số khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế. Ước tính nhu cầu nhân sự của mảng này mỗi năm tăng 10 – 15%, đồng nghĩa cần khoảng 500 kỹ sư mới/năm, chủ yếu là kỹ sư thiết kế, kiểm thử.
Mặt khác, Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất bán dẫn. Một số điểm nhấn đáng chú ý như: Nhà máy Amkor Technology Việt Nam với tổng đầu tư 1,6 tỷ USD; Hana Micron Vina với tổng đầu tư 600 triệu USD (dự kiến 1 tỷ USD vào năm 2025); Intel Việt Nam hơn 1 tỷ USD; Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam... Dự kiến đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD. Ước tính ngành công nghiệp bán dẫn Việt sẽ cần 10.000 kỹ sư mỗi năm.
Trong bối cảnh thế giới phẳng, hội nhập toàn cầu, cơ hội việc làm đối với nhân lực Việt không chỉ có ở trong nước mà còn hiện diện ở rất nhiều thị trường ngoại.
Deloitte ước tính hiện có hơn 2 triệu nhân lực đang làm việc trực tiếp trong ngành công nghiệp bán dẫn và tới năm 2030 sẽ tăng thêm 1 triệu nhân lực trên toàn cầu.
“Trong 10 năm tới, Nhật Bản sẽ cần thêm 35.000 nhân lực, Hàn Quốc cần thêm 30.000 nhân lực; Đài Loan (Trung Quốc) năm 2022 có 290.000 nhân lực, dự kiến cần thêm 34.000 nhân lực; Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) ước tính sẽ có 42.000 nhân lực mới đến năm 2027…”, ông Minh nêu một loạt con số cho thấy nhu cầu cao của thế giới về nhân lực bán dẫn, vi mạch trong tương lai.
Cần chú trọng hơn tới đào tạo để có đội ngũ “chiến binh”
Muốn có đội ngũ hùng hậu “chiến binh” bán dẫn đạt trình độ quốc tế, cần có sự quan tâm đặc biệt hơn nữa tới hoạt động đào tạo.
Ở góc nhìn của người trong cuộc, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh chỉ ra những điểm mạnh của hoạt động đào tạo bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung: “Chúng ta đã có đào tạo, nghiên cứu ở tất cả các khâu thiết kế, chế tạo, sản xuất, phát triển ứng dụng. Một số cơ sở đào tạo như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh… đã đầu tư trang thiết bị và một số phòng thí nghiệm khá bài bản. Chương trình đào tạo hiện tại của ngành điện tử - viễn thông, điện - điện tử, vật lý kỹ thuật, kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano căn bản đáp ứng được yêu cầu số lượng và chất lượng (kiến thức nền tảng) cho kỹ sư vi mạch bán dẫn tại các công ty Việt Nam và thế giới”.
Dẫn số liệu thống kê của cộng đồng vi mạch Việt Nam, theo đó, mức lương trung bình của kỹ sư mới ra trường khoảng 15 – 17 triệu đồng/tháng, những người có khoảng 5 năm kinh nghiệm nhận 30 – 40 triệu đồng/tháng, cá biệt có một số người đạt tới 50 – 100 ngàn USD/tháng, ông Minh nhấn mạnh: “Rất nhiều bạn có cơ hội đi các nước vì đã đạt mức nhân lực trình độ cao của thế giới”.
Tuy nhiên, ông Minh cũng thẳng thắn nhìn nhận không ít điểm hạn chế trong hoạt động đào tạo ngành bán dẫn như: Hạn chế về cơ sở vật chất như thiếu phần mềm, máy móc đo kiểm, chế tạo thử nghiệm..., dẫn tới thiếu kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về sản phẩm của từng công ty; Đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học còn nhỏ lẻ ngắn hạn; Sinh viên hạn chế khả năng ngoại ngữ…
Nhiều giải pháp khắc phục hạn chế đã được triển khai. Chẳng hạn, Đại học Bách khoa Hà Nội đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành bằng cách đưa sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp trong 2 học kỳ học chuyên ngành để sinh viên biết cách sử dụng các công cụ, máy móc hiện đại của doanh nghiệp và trực tiếp tham gia các dự án thiết kế.
Mới đây, 7 trường đại học tại Việt Nam đã liên minh đào tạo kỹ sư cho công nghiệp bán dẫn. “Chỉ tính riêng phần mềm thiết kế, chi phí bản quyền lên tới 1 – 2 triệu USD/năm. Nếu mỗi trường tự mua sẽ tiêu tốn nguồn lực. Khi liên minh, các trường sẽ có thể chia sẻ phần mềm và dịch vụ với nhau”, ông Minh phân tích sự cần thiết phải hình thành liên minh này, qua đó sẽ có thể giảm chi phí, tăng hiệu quả đào tạo ra những “chiến binh” tiêu chuẩn quốc tế.
Với quan điểm đề cao “thực chiến”, Giáo sư Hoài gợi ý, cách tốt nhất để có nhân lực trình độ cao, đáp ứng các chuẩn mực thế giới, là khuyến khích nhân lực Việt vào làm cho các doanh nghiệp FDI để trải nghiệm thực tiễn và tích lũy kinh nghiệm, kiến thức. Đài Loan (Trung Quốc) Hàn Quốc… đều làm theo cách này và đã thành công.
Đối với hoạt động đào tạo tại các trường học, Giáo sư Hoài lưu ý: “Quan trọng nhất là thày dạy, cần phải mời các giáo sư và chuyên gia nước ngoài đã kinh qua thực tế sản xuất về giảng dạy. Nhiều giáo sư chưa từng có trải nghiệm thực tế sản xuất chip thì cũng khó có thể đào tạo ra nhân lực chất lượng cao”.
Vừa qua, Việt Nam và Mỹ đã thống nhất Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó ghi nhận Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ trị giá 2 triệu USD cho Việt Nam.
“Thiết nghĩ chúng ta nên dùng khoản kinh phí tài trợ này cộng thêm khoản đầu tư của Chính phủ và một số doanh nghiệp Việt Nam để mở 2 – 4 phòng thí nghiệm thực hành công nghệ bán dẫn cho các cơ sở đào tạo”, Giáo sư Hoài khuyến nghị.