Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ tư với chủ đề “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu” vừa chính thức khai mạc ngày 8/12.
Có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, diễn đàn năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Việt Nam và kết nối với một số điểm cầu quốc tế.
Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ nhất năm 2019 đã đưa cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sang một giai đoạn mới, đó là Make in Viet Nam - “Nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”. Tuyên bố về Make in Viet Nam được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Diễn đàn này đã trở thành nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Tiếp đó, tại Diễn đàn lần thứ hai vào năm 2020, cộng đồng công nghệ số Việt Nam đã tuyên bố: “Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường và thịnh vượng”.
Diễn đàn lần thứ ba năm 2021 đã đặt ra được các bài toán chuyển đổi số quốc gia cần giải và sứ mệnh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong việc xây dựng các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021 là năm hành động quyết liệt và hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số thực hiện chuyển đổi số quốc gia tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19.
Cũng tại diễn đàn năm 2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã nhận nhiệm vụ trước Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đưa người dân lên môi trường số.
Trong phát biểu khai mạc diễn đàn năm 2022, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long khẳng định, với sự dẫn dắt của Bộ TT&TT, cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bộ TT&TT hứa với Thủ tướng Chính phủ.
Với quyết tâm cao, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Doanh thu của ngành ước đạt được 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số là trên 70.000.
Cùng với đó, xuất khẩu của ngành công nghệ số Việt Nam năm 2022 ước đạt 136 tỷ USD. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng của công nghệ số, dữ liệu số, dựa trên ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Cuộc cách mạng này đang mở ra cánh cửa mới, không gian mới cho mọi ngành nghề, lĩnh vực; những khởi tạo mới với sứ mệnh và tầm nhìn mới. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tiếp tục bắt kịp sự chuyển dịch này để có những khởi tạo mới định hướng cho tương lai.
Nhấn mạnh doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có trách nhiệm và sứ mệnh quốc gia lớn lao, Thứ trưởng nêu rõ: “Đó là tận dụng công nghệ số, cuộc cách mạng số để góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia và đi ra toàn cầu. Lấy chuyển đổi số là phương thức phát triển mới có tính đột phá để đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lấy thị trường trong nước là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trưởng thành và đi ra toàn cầu”.
Cũng trong phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định: Bộ TT&TT sẽ tiếp tục có những hoạt động dẫn dắt, định hướng lĩnh vực công nghiệp công nghệ số phát triển bền vững, với tư tưởng xuyên suốt là các sản phẩm Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu cao nhất là giúp cho người dân hạnh phúc và đất nước phát triển.