Theo CNN, cuối năm 2020, chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chấn chỉnh một loạt ngành công nghiệp nhằm theo đuổi chiến lược "thịnh vượng chung". Ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết của việc mang đến "của cải vừa phải" cho tất cả người dân và kêu gọi những cá nhân, doanh nghiệp lớn đóng góp lại cho xã hội
Cuộc trấn áp đối với ngành công nghiệp đã khiến vốn hóa của các công ty công nghệ Trung Quốc bay hơi 3.000 tỷ USD. Trước làn sóng quy định mới, lĩnh vực livestream (phát trực tuyến) cũng không miễn nhiễm.
Quy mô thị trường thương mại điện tử livestream của Trung Quốc đạt 1.200 tỷ nhân dân tệ (178 tỷ USD) vào năm 2020. Ảnh: Reuters. |
Chấn chỉnh ngành công nghiệp
Theo CNN, Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) - cơ quan quản lý truyền thông hàng đầu - và Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã cùng đưa ra các quy định mới về hoạt động livestream, bao gồm 18 điều khoản, trong đó có 31 loại hành vi bị cấm.
Theo các quy định, người thực hiện livestream trên mạng xã hội phải "giữ vững những giá trị chính trị và xã hội đúng đắn". Họ cũng cần tự điều chỉnh và tránh những nội dung "bất hợp pháp và có hại" trong suốt buổi livestream.
Những tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định sẽ bị đưa vào danh sách đen. Tài khoản của họ cũng bị cấm vĩnh viễn.
Thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát những livestreamer (người thực hiện livestream) nổi tiếng. Nhiều cá nhân bị phạt hàng tỷ USD, thậm chí biến mất khỏi mạng xã hội.
Cuộc trấn áp với ngành công nghiệp livestream đang bùng nổ sẽ không phải tin tốt với nền kinh tế Trung Quốc.
Nhiều livestreamer nổi tiếng bị phạt hàng tỷ USD, thậm chí biến mất khỏi mạng xã hội sau khi Bắc Kinh siết chặt quy định. Ảnh: Reuters. |
Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường iResearch Consulting Group, quy mô thị trường thương mại điện tử livestream của Trung Quốc đạt 1.200 tỷ nhân dân tệ (178 tỷ USD) vào năm 2020, tăng 197% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến tăng lên 4.900 tỷ nhân dân tệ (726 tỷ USD) vào năm 2023 nếu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng này.
Tuy nhiên, các số liệu được đưa ra trước khi nền kinh tế thứ 2 thế giới giảm tốc tăng trưởng.
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II. Đây là con số thấp nhất từng được ghi nhận trong 2 năm qua. Chi tiêu của người tiêu dùng thấp, trong khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Giới chức Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt cản trở nghiêm trọng hoạt động kinh tế. Cùng với đó là cuộc trấn áp đối với khu vực tư nhân và khủng hoảng trong ngành bất động sản, khiến nợ xấu và bất ổn xã hội gia tăng.
Niềm tin suy yếu
Lo ngại về một viễn cảnh tồi tệ, Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu rằng nhà nước sẽ nới lỏng các quy định kiểm soát đối với ngành công nghệ.
Những tuần qua, giới chức Trung Quốc đã cố gắng vực dậy ngành công nghiệp Internet và cam kết hỗ trợ các công ty công nghệ tìm cách niêm yết cổ phiếu ở thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, niềm tin vào thị trường vẫn còn mong manh. Tuần trước, Cục Quản lý Thị trường Trung Quốc cho biết đã phạt một số công ty công nghệ vì vi phạm các quy tắc chống độc quyền về việc tiết lộ giao dịch. Tin tức này ngay lập tức đã làm dấy lên một đợt bán tháo cổ phiếu mới.
Wall Street Journal đưa tin các giám đốc điều hành mảng điện toán đám mây của Alibaba Group Holding Ltd. đã bị giới chức Thượng Hải triệu tập do có liên quan đến vụ đánh cắp dữ liệu nghiêm trọng.
Hôm 21/7, Didi Global - gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc - cũng bị cơ quan quản lý phạt hơn 1 tỷ USD sau cuộc điều tra kéo dài một năm.
Nền tảng thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Jack Ma là một trong những công ty chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc trấn áp của Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Theo ông David Craig - giáo sư truyền thông tại Đại học Nam California, công việc kinh doanh tại Trung Quốc thường khá bấp bênh. Ở đó, một doanh nghiệp hoặc cá nhân có sức ảnh hưởng quá lớn với xã hội hoặc nền kinh tế sẽ bị coi là mối đe dọa.
Việc Trung Quốc gia tăng kiểm soát đối với ngành công nghiệp livestream diễn ra khi lĩnh vực thương mại điện tử có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Nguyên nhân là kinh tế giảm tốc tăng trưởng và Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát.
Theo số liệu của công ty phân tích thương mại điện tử Trung Quốc Syntun, trong lễ hội mua sắm trực tuyến ngày 18/6 - sự kiện thương mại điện tử lớn thứ 2 của Trung Quốc sau Ngày Độc thân vào tháng 11, tổng doanh số bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử lớn chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 27% vào năm 2021.
(Theo Zing)