Nuôi tôm công nghệ cao
Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện nay có 2 công ty chuyên sản xuất giống tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam - chi nhánh 3 tại Bình Định và Công ty cổ phần Việt - Úc Bình Định.
Các đơn vị kinh doanh đã áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hoặc bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Tất cả các hệ thống bơm điều khiển trong trại nuôi tôm thương phẩm; việc thu thập và giám sát dữ liệu nhiệt độ, độ mặn, độ pH của nguồn nước biển đầu vào; mô hình điều khiển quạt oxy trong nước cho các ao nuôi; việc thu thập dữ liệu chất lượng nước nuôi bằng các đầu dò cảm biến tự động trong quá trình nuôi tôm đều đã thực hiện tự động hoá…
Ông Chế Thanh Hưng, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Việt - Úc Bình Định (đóng tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) cho biết, môi trường nuôi tôm ở miền Trung đã qua nhiều năm nên mầm bệnh tồn dư trong môi trường nước rất cao. Việc đầu tư vào hệ thống sản xuất con giống đạt chất lượng để đưa ra môi trường là một vấn đề vô cùng quan trọng.
“Năm 2005, Công ty đã được Tập đoàn Thủy sản Việt - Úc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chất lượng cao trên diện tích 8ha. Tôm giống cung ứng ra thị trường có sức đề kháng mạnh, thích ứng tốt với môi trường, nguồn nước ở bên ngoài và hoàn toàn sạch bệnh”, ông Hưng chia sẻ.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc, cho biết để phát triển bền vững kinh tế biển trong hoạt động nuôi trồng, thời gian qua, tỉnh Bình Định cũng đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nuôi tại 4 vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh.
“Việc chuyển giao kỹ thuật này nằm trong đề tài nghiên cứu xây dựng Quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm bán thâm canh, thâm canh, ứng dụng công nghệ Semi-BioFloc theo hướng phát triển bền vững, ít thay nước, thân thiện với môi trường”, ông Phúc cho hay.
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản
Không chỉ nuôi tôm công nghệ cao, thời gian qua, các hoạt động khai thác, bảo quản thuỷ sản cũng được các ngư dân trên địa bàn tỉnh Bình Định áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Ông Trần Văn Phúc cho biết, ngư dân trên địa bàn sử dụng thiết bị dò cá bằng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy; sử dụng máy thu lưới, thu câu, thiết bị định vị vệ tinh; sử dụng công nghệ khai thác cá ngừ đại dương bằng công nghệ Nhật Bản.
Ngư dân cũng đã ứng dụng vật liệu mới, có tính cách nhiệt tốt như Polyurethan để làm hầm bảo quản; áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến vào sản xuất như dùng thiết bị lạnh, bảo quản bằng công nghệ nano...Từ đó, chất lượng sản phẩm thuỷ sản được nâng cao.
Hiện, tỉnh Bình Định đang triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy tạo xung làm ngất trong xử lý cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản trên các tàu câu cá ngừ đại dương” nhằm tăng giá trị sản phẩm cá ngừ đại dương.
UBND tỉnh Bình Định cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT tham mưu triển khai thực hiện mô hình chuỗi liên kết khai thác, thu mua, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu để nâng cao giá trị loại cá này.
“Hiện nay, trên địa bàn có chuỗi liên kết giữa Công ty Thịnh Hưng với 160 tàu làm nghề khai thác cá ngừ đại dương; chuỗi liên kết của Công ty Hồng Ngọc với hơn 100 tàu khai thác cá ngừ đại dương; chuỗi liên kết giữa công ty TNHH Mãi Tín Bình Định với ngư dân khai thác cá ngừ đại dương để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ. Chính nhờ vậy, sản lượng thủy sản năm 2022 toàn tỉnh ước đạt 264.770 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ”, ông Phúc thông tin.
Đầu tư hạ tầng nghề cá
Ngoài nâng cao kỹ thuật công nghệ trong đánh bắt, hiện nay, tỉnh Bình Định cũng đầu tư nâng cấp hạ tầng nghề cá.
Tỉnh Bình Định đã đầu tư xây dựng mới Cảng cá Tam Quan và đưa vào hoạt động trong năm 2021. Cảng cá này có tổng diện tích vùng nước cảng 10ha, độ sâu luồng vào cảng 5m, diện tích đất cảng 3,8ha, trang thiết bị chủ yếu phục vụ bốc dỡ hàng hóa. Số lượt tàu cá về qua cảng 20.000 lượt/năm, năng lực bốc dỡ hàng hóa 40.000 tấn/năm, tổng sản lượng thủy sản lên cảng ước đạt 20.000 tấn/năm.
Triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão đầm Đề Gi quy mô tàu neo đậu không vượt quá 2.000 chiếc/300CV thành khu neo đậu cấp vùng có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão. Qua đó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của ngư dân tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho ngư dân.
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng tại Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn. Ông Trần Văn Phúc cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản, UBND tỉnh Bình Định đã Quy hoạch Khu chế biến thủy sản tập trung tại huyện Tuy Phước để di dời các nhà máy hoạt động trong khu dân cư về hoạt động; đồng thời kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư.
Trong thời gian qua, một số nhà máy đã UBND tỉnh cấp phép đầu tư. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã không ngừng nâng cấp cải tiến công nghệ để nâng công suất, giảm chi phí sản xuất, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Mỹ. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm thủy sản dựa trên nhu cầu và tín hiệu của thị trường.
“Nhờ sự phát triển kinh tế biển, đời sống của người dân ở các xã ven biển đã tăng lên đáng kể. Thu nhập của người dân từ ngành thủy sản đã cải thiện, đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt hàng ngày, giáo dục, sức khỏe và văn hóa. Đồng thời, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng cũng được cải thiện để đáp ứng nhu cầu sống và phát triển của cộng đồng”, ông Phúc nói.