NGÀNH HỌC KHÓ, ĐÒI HỎI ĐAM MÊ...
Trong nhiều năm qua, tại các trường đại học hàng đầu, các ngành khoa học cơ bản có mức điểm chuẩn rất thấp, sinh viên vẫn không mặn mà đăng ký.
Theo ông Phùng Quán - Chuyên gia tuyển sinh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thí sinh đăng ký vào các ngành hot, ít quan tâm đến các ngành khoa học cơ bản như Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Nông nghiệp, khiến các ngành này khó tuyển vì thiếu cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Trong đó, theo ông Quán có 3 nguyên nhân sau:
Thứ nhất, các ngành khoa học cơ bản là những ngành khoa học nghiên cứu, khám phá các quy luật của tự nhiên và tạo ra những kiến thức mới nên yêu cầu kiến thức chuyên sâu và kỹ năng phân tích, suy luận, giải quyết vấn đề phức tạp.
Điều này đòi hỏi sinh viên phải có nền tảng kiến thức tốt, có khả năng học tập, nghiên cứu và thích nghi với những khó khăn trong quá trình học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có khả năng và sở thích để làm việc trong lĩnh vực này.
Thứ hai, điểm quan trọng trong lựa chọn ngành học của một số sinh viên là tiềm năng về thu nhập. Như vậy, mức thu nhập thấp là một nguyên nhân khiến những ngành khoa học cơ bản không đủ sức hút sinh viên.
Cụ thể, sinh viên mới ra trường nếu làm việc ở viện nghiên cứu được hưởng mức lương theo hệ số quy định của Nhà nước. Nếu tính khởi điểm ban đầu, mức lương chỉ vài triệu. Đã vậy, không phải sinh viên tốt nghiệp đại học nào cũng được nhận vào biên chế ngay
“Việc lựa chọn ngành học không chỉ phụ thuộc vào sở thích, kỹ năng, còn phụ thuộc vào thu nhập sau khi tốt nghiệp. Nếu một ngành khoa học cơ bản không có tiềm năng có thu nhập cao hoặc không có nhu cầu trong xã hội sẽ ít người muốn theo đuổi”- ông Quán nói.
Thứ ba, theo ông Quán, các ngành khoa học cơ bản khó tuyển vì thiếu hấp dẫn cơ hội việc làm, do nhu cầu của xã hội không quá lớn cho những ngành này và phát triển nghề nghiệp cho tương lai. Các sinh viên theo học ngành này khó xin việc làm đúng với chuyên ngành học và môi trường làm việc chủ yếu ở các cơ quan nghiên cứu hoặc trường đại học, đòi hỏi phải có trình độ cao, đầu tư chất xám lớn mới có thể thực hiện được các công trình nghiên cứu.
Nhiều ngành nghề hiện nay có nhu cầu lớn hơn và thu nhập cao hơn như kinh doanh, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, kỹ thuật... Vì vậy, nhiều học sinh lựa chọn để tăng khả năng có thu nhập cao và có cơ hội thăng tiến trong công việc.
Ông Quán nhìn nhận, nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn cán bộ chất lượng cao trong ngành khoa học cơ bản, ảnh hưởng đến phát triển của ngành này trong tương lai.
Ông Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng phân tích các nguyên nhân khiến ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, mang tính chất chuyên sâu rất khó tuyển sinh.
Lý do, thứ nhất, theo ông Quyền, thông tin trên mạng, truyền thông không định hướng để thí sinh thi vào các ngành này.
“Theo công bố của Bộ GD-ĐT trong vài năm qua hầu như tỷ lệ tuyển sinh cao nhất là Quản trị kinh doanh và Công nghệ thông tin. Thông tin trên mạng tập trung vào hai ngành này, dẫn đến sự bất cập trong cung cấp nguồn nhân lực, đặc biệt là tài nguyên môi trường”- ông Huỳnh Quyền cho hay.
Ông Quyền khẳng định, nhà trường vẫn tiếp tục duy trì những ngành này để đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho sự phát triển bền vững của kinh tế đất nước. Đây vừa là thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ của một trường đại học công lập trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.
Theo ông, để triển khai phát triển kinh tế, theo định hướng bền vững của đất nước, chắc chắn sẽ cần nguồn nhân lực những ngành khoa học cơ bản và những ngành chuyên sâu Tài nguyên môi trường, Ứng phó biến đổi khí hậu.
Những ngành này không chỉ góp sức phát triển kinh tế bền vững mà còn xuyên suốt trong tất cả các hoạt động từ sản xuất kinh doanh đến du lịch, văn hoá. Về phía quản lý nhà nước, các Sở Tài nguyên môi trường hay các đơn vị làm công tác quản lý, khai thác tài nguyên, định hướng hoạt động sản xuất doanh nghiệp đảm bảo về môi trường và có ứng phó với biến đổi khí hậu thì hầu như đang thiếu nhân lực.
"Nếu tiếp tục thế này, trong tương lai sẽ thiếu nhân lực liên tục. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng thiếu những cán bộ có trình độ chuyên môn sâu", vị hiệu trưởng khẳng định.
... NHƯNG ÍT VIỆC LÀM, MỨC LƯƠNG BÈO BỌT
PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng tầm nhìn xa, các ngành thuộc khối khoa học, kỹ thuật cơ bản rất cần thiết cho sự phát triển nói chung của xã hội. Nhưng đó là tầm nhìn với giai đoạn xa. Hiện khó thể phủ nhận các ngành này dần mất đi sức hấp dẫn.
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cũng nêu 2 lý do cơ bản khiến thí sinh không mặn mà các ngành này.
Thứ nhất, xã hội ngày càng có nhiều ngành nghề để thí sinh có nhiều lựa chọn hơn, thí sinh quan tâm đến các ngành được coi là hot, thời thượng. Trong khi, do đặc thù nghề nghiệp về lĩnh vực thủy sản khiến thí sinh có tâm lý e ngại.
Tuy vậy, thực tế sinh viên theo học các ngành như Quản lý thủy sản, Khoa học thủy sản, Nuôi trồng thủy sản, Chế biến thủy sản ra trường làm việc không vất vả như thí sinh nghĩ. Các em có nhiều cơ hội nghề nghiệp khác nhau khi theo học các ngành này với mức thu nhập và ưu đãi rất tốt.
Thứ hai, chính sách tuyển dụng cũng như chế độ đãi ngộ đối với sinh viên muốn làm ở các cơ quan nhà nước còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Hiệu trưởng một trường đại học ở TP.HCM nói thẳng với VietNamNet, các ngành khoa học cơ bản chết dần chết mòn vì “học ra có gì để làm?”. Đây là một thực tế vì những ngành này khó học, khó kiếm việc làm. Đặc biệt, nếu sinh viên ra trường kiếm được việc làm, mức lương cũng rất bèo bọt.
Một số ngành khoa học cơ bản gồm: Sinh học, Thiên văn học, Vật lý học, Vật lý hạt nhân, Khoa học vật liệu, Địa chất học, Kỹ thuật địa, Địa lý tự nhiên, Khí tượng học, Thủy văn học, Hải dương học, Khoa học môi trường, Khoa học đất, Văn học, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học, Hán Nôm… |