Lời tòa Soạn
Những năm qua, các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản “ế” người học khi thí sinh đổ xô vào học các ngành hot. Việc những ngành học cần cho xã hội nhưng lại chật vật trong tuyển sinh khiến nhiều người lo ngại tình trạng này nếu kéo dài, trong tương lai sẽ mất cân bằng ngành nghề, hơn nữa những ngành khoa học cơ bản sẽ rơi vào tình trạng “khan hiếm" người làm. Tuyến bài những 'Tiếng kêu cứu' của ngành khoa học cơ bản sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn tình trạng này.

NGÀNH HỌC LÁC ĐÁC 4-5, THẬM CHÍ "TRẮNG" SINH VIÊN

Năm 2022, 3 ngành của Trường ĐH Nha Trang là Quản lý thuỷ sản, Nuôi trồng thuỷ sản và Chế biến thuỷ sản đều không tuyển đủ chỉ tiêu.

Theo kế hoạch của trường, ngành Quản lý thuỷ sản tuyển 50 chỉ tiêu nhưng chỉ được 32 thí sinh nhập học (64%); ngành Nuôi trồng thuỷ sản tuyển 160 chỉ tiêu nhưng chỉ có 125 thí sinh (78%). Trong khi đó, ngành Chế biến thuỷ sản đặt mục tiêu 100 chỉ tiêu, được 68 thí sinh (68%).

Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong 4 năm từ 2019-2022, việc tuyển sinh các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống đứng sau các ngành thuộc lĩnh vực Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Toán, Máy tính và Công nghệ thông tin…

Khó khăn nhất là ngành Hải dương học, trong 4 năm từ 2019-2022, đỉnh điểm năm tuyển cao nhất được một nửa chỉ tiêu. Trong đó, năm 2020, ngành chỉ có 8 thí sinh, đạt tỉ lệ 16% so với chỉ tiêu đề ra là 50. Năm 2019, ngành này tuyển được 21 thí sinh, đạt tỉ lệ 26,25%.

Trong 2 năm 2021 và 2022, việc tuyển sinh ngành Hải dương học cũng “thất bát” không kém. Cụ thể, năm 2021, ngành này tuyển được 25 thí sinh đạt tỉ lệ 50%, năm 2022 tuyển được 20 thí sinh đạt 40% chỉ tiêu đề ra.

Cũng tại trường này, tình trạng bi đát tương tự rơi vào ngành Địa chất học. Trong 4 năm liên tiếp, từ 2019-2022, chưa năm nào ngành này tuyển được 1/4 chỉ tiêu đề ra. Do năm trước tuyển sinh kém, năm sau nhà trường đã giảm chỉ tiêu, số thí sinh tuyển được cũng giảm dần qua hàng năm.

Năm 2019, ngành thu hút 28 thí sinh, đạt tỷ lệ 17,5% so với chỉ tiêu đặt ra là 160 thí sinh. Năm 2020, ngành tuyển được 20 thí sinh đạt 20% so với chỉ tiêu là 100. Năm 2021, tuyển được 21 thí sinh đạt 21% so với chỉ tiêu đặt ra là 100. Năm 2022, ngành có 11 thí sinh đạt 22% so với chỉ tiêu đặt ra là 50.

Ngành Kỹ thuật địa chất cũng cùng chung số phận. Năm 2022, ngành này tuyển được nhiều nhất 10 thí sinh, đạt 33,3% so với chỉ tiêu 30. Năm 2021, ngành chỉ tuyển được 9 thí sinh đạt 30% so với chỉ tiêu 30. Năm 2020, ngành Kỹ thuật địa chất tuyển được 4 thí sinh, đạt 8% so với chỉ tiêu 50. Đặc biệt, năm 2019, ngành không có thí sinh nào nhập học. 

Tình hình tuyển sinh khó khăn nhất có lẽ là các ngành khoa học cơ bản ở Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, khiến nhiều ngành thuộc khoa học cơ bản “chết yểu” vì không ai học. Tại trường này, ngành Địa chất học, năm 2021 tuyển 100 chỉ tiêu nhưng được 15 thí sinh. Đến năm 2022, ngành này tuyển 50 chỉ tiêu nhưng được 4 thí sinh.

Trong khi đó, ngành Khí tượng và Khí hậu học, năm 2021 tuyển 50 chỉ tiêu nhưng được 18 thí sinh. Đến năm 2022, ngành này cũng tuyển 50 chỉ tiêu nhưng chỉ có 12 thí sinh. Ngành Thuỷ văn học, năm 2021 tuyển 50 chỉ tiêu, được 3 thí sinh. Năm 2022, tuyển 50 chỉ tiêu, được 4 thí sinh.

Ngoài ra, cũng tại trường này, một số ngành đặc thù khác như Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, năm 2021 chỉ tiêu tuyển 50 nhưng không có thí sinh ứng tuyển. Đến năm 2022, chỉ tiêu là 50 nhưng cũng chỉ được 5 thí sinh. Riêng ngành Kỹ thuật tài nguyên nước, năm 2021, chỉ tiêu 100 thí sinh, năm 2022 là 50 thí sinh nhưng cả hai năm ngành đều "trắng tay".

Ngành Kỹ thuật cấp thoát nước cũng không khá khẩm hơn. Năm 2021 và 2022, mỗi năm ngành đề ra 100 chỉ tiêu nhưng chỉ lần lượt được 21 và 16 thí sinh. Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo, năm 2021 có 50 chỉ tiêu nhưng không có thí sinh nào, năm 2022 cũng chỉ 4 thí sinh trong khi chỉ tiêu là 50.

VÀO KHOA HỌC CƠ BẢN ĐỂ ĐI ĐƯỜNG VÒNG SANG... NGÀNH KHÁC

“Trong 5 năm, từ 2017 đến 2021, tỉ lệ đăng ký xét tuyển vào các ngành khoa học cơ bản nhìn chung giảm. Trên cơ sở định hướng tăng cường chỉ tiêu đào tạo cho các ngành khoa học ứng dụng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng từng bước giảm dần chỉ tiêu dành cho các ngành khoa học cơ bản”.

Đây là nhận định của TS Trịnh Văn Định và ThS Đoàn Văn Luân, Phòng quản lý và nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, trong kỷ yếu hội thảo: Khoa học cơ bản, vai trò và định hướng phát triển trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức tháng 12/2022, tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Theo hai nhà nghiên cứu này, vấn đề nghiêm trọng nhất trong tuyển sinh là tỷ lệ sinh viên đăng ký các ngành khoa học cơ bản không phải lựa chọn thứ nhất, dẫn đến ngay từ đầu sự gắn bó và cam kết học tập không cao. 

Ảnh chụp màn hình từ tham luận của TS Trịnh Văn Định và ThS Đoàn Văn Luân, Phòng quản lý và nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội

Hai nhà nghiên cứu dẫn thống kê của Phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, rằng sinh viên đăng ký nguyện vọng 1 chỉ tuyển được 20 - 30% chỉ tiêu tuyển sinh, số còn lại phải tuyển nguyện vọng 2.

Điều này là thách thức lớn vì để đào tạo các ngành khoa học cơ bản, sự hứng thú, say mê của người học là điều kiện tiên quyết để họ có thể phát triển thành chuyên gia. Tỷ lệ nhập học/trúng tuyển của các ngành này rất thấp, không ổn định qua các năm. Thêm vào đó, so với trước kia có rất ít sinh viên các trường chuyên nổi tiếng dự thi vào các ngành này.

Hiện nay, các ngành khoa học cơ bản gặp khó khăn trong việc thu hút sinh viên vào học, thậm chí không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu định kỳ hằng năm (đặc biệt là giai đoạn từ 2014 - 2018).

Từ mùa tuyển sinh 2018 đến nay, số lượng tuyển sinh đã đáp ứng đủ chỉ tiêu (do điều chỉnh giảm chỉ tiêu tuyển sinh) tuy nhiên, điểm chuẩn đầu vào các ngành này thường thấp hơn các ngành có tính chất ứng dụng trong nhà trường. Một số ngành như Tôn giáo học, Triết học, Nhân học… có điểm chuẩn đầu vào tuyển sinh thường ở nhóm cuối cùng về điểm chuẩn xét tuyển của nhà trường.

Vì thế, tâm lý sinh viên không ổn định khi học các ngành khoa học cơ bản. Sau 1 năm, khoảng 10% sinh viên xin nghỉ học để thi lại ngành khác. Thực tế cho thấy có một số sinh viên đặt kỳ vọng trúng tuyển các ngành dễ có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp như Đông phương học, Báo chí học...

Tuy nhiên do năng lực không đáp ứng yêu cầu đầu vào các ngành đó, các sinh viên này chọn “lối đi vòng” thi vào các ngành khoa học cơ bản để có thể học các chương trình đào tạo ngành 2 trong và ngoài trường trong khuôn khổ của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Bên cạnh đó, phần lớn sinh viên trúng tuyển và theo học các ngành khoa học cơ bản là con em các gia đình nông dân, công nhân ở khu vực 2, khu vực 1, trong đó không ít sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số.

Do những khó khăn về kinh tế, một bộ phận không nhỏ sinh viên không thể tập trung toàn bộ thời gian cho việc học tập, nghiên cứu tại trường, phải làm thêm một số công việc khác nhau để mưu sinh. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến quá trình tích lũy kiến thức, tu dưỡng, rèn luyện của sinh viên.

Ảnh chụp màn hình từ tham luận của PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo thống kê của PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Phòng đào tạo, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện tại, trường có 8 khoa, tổ chức đào tạo 26 ngành, trong đó, có 9 ngành đào tạo khoa học cơ bản, đều là các ngành đào tạo truyền thống, đã có từ lâu.

Số liệu cho thấy trường duy trì tỷ lệ tuyển mới các ngành khoa học cơ bản vào khoảng 30% so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Năm 2022, có giảm nhẹ về số lượng và tỉ lệ so với hai năm trước. Một số ngành khoa học cơ bản tiếp tục rơi vào tình trạng khó tuyển sinh.

Ngoài một số ngành tuyển sinh số lượng tương đối ổn định, đảm bảo quy mô cho hoạt động tổ chức đào tạo hằng năm bao gồm Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, các ngành còn lại hoặc số lượng tuyển được ít, hoặc không ổn định. Một số ngành đặc biệt khó tuyển (không có sinh viên hoặc rất ít) trong một năm tuyển sinh như Hải dương học năm 2018 (0 sinh viên), năm 2019 (2 sinh viên).

Tương tự với ngành Tài nguyên và môi trường nước (tên gọi cũ là Thủy văn học) vào các năm từ 2017 đến 2019, ngành Địa chất vào năm 2019. Các ngành này tuyển dưới 20 sinh viên/năm trong nhiều năm.

Ảnh chụp từ màn hình tham luận của PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, 5 năm liền từ 2018-2022, nhiều ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản số thí sinh nhập học không đạt chỉ tiêu đề ra, mặc dù chỉ tiêu của những ngành này ít hơn các ngành khác.

Cụ thể, ngành Triết học năm 2018 tuyển 80 chỉ tiêu nhưng được 40 em, năm 2019 tuyển 80 chỉ tiêu nhưng được 29 thí sinh. Năm 2020, tuyển 63 chỉ tiêu nhưng được 38 thí sinh. Năm 2021, ngành tuyển 60 chỉ tiêu nhưng được 32 thí sinh, năm 2022 tuyển 50 thí sinh, được 49 thí sinh. Riêng ngành Tôn giáo học năm 2021 tuyển 50 chỉ tiêu nhưng được 29 thí sinh, năm 2022 tuyển 50 thí sinh nhưng được 43 thí sinh. Các ngành khác như Lịch sử, Địa lý học… cũng không tuyển đủ chỉ tiêu đề ra.

PGS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay nhà trường có có 2 – 3 ngành được coi là ngành tuyển sinh không được đúng chỉ tiêu. Trong 3 năm vừa qua, lượng tuyển từ 40% đến 60% chỉ tiêu tuyển (dù chỉ tiêu tuyển đã được đặt ở mức đủ để mở lớp 40 - 50). Hiện tại, con số đang khá lên dần nhưng vẫn còn ở mức thấp hơn kỳ vọng.

4 NGÀNH "KHÁT" NGƯỜI HỌC

Tại một hội nghị tuyển sinh gần đây, Bộ GD-ĐT cho hay năm 2022 có 521.263 thí sinh nhập học đại học, đạt tỷ lệ 83,39%, cao hơn số nhập học năm 2020 và 2021.

Trong số 330 cơ sở, có 194 cơ sở đào tạo, chiếm tỷ lệ 58,67%, có tỉ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc. Trong đó, các thí sinh trúng tuyển các ngành lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý nhiều nhất với 24,55%. Tiếp theo là số thí sinh nhập học lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin với 11,79%.

Các lĩnh vực như Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn, Sức khoẻ, Khoa học xã hội và hành vi có số thí sinh nhập học tương đối cao. Nằm trong top 10 lĩnh vực tuyển sinh tốt nhất còn có các lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên trình độ đại học, Kỹ thuật, Pháp luật, Kiến trúc và Xây dựng.

Đặc biệt, theo Bộ GD-ĐT, có 4 lĩnh vực gồm Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học tự nhiên, Dịch vụ xã hội và Khoa học sự sống tuyển sinh kém nhất. Mỗi năm, những lĩnh vực này chỉ tuyển được gần được phân nửa số chỉ tiêu đặt ra. Đây không phải lần đầu tiên 3 năm liên tục những lĩnh vực này tuyển sinh có kết quả không như kỳ vọng.

Cụ thể, năm 2020, lĩnh vực Khoa học sự sống tuyển được 54,87% đề ra; Năm 2021 là 60,48% đề ra; Năm 2022 là 61,36%. Đối với lĩnh vực Dịch vụ xã hội, năm 2020 tuyển được 49,98%; Năm 2021 tuyển được 67,72%; Năm 2022 là 59,43%.

Lĩnh vực Khoa học tự nhiên, năm 2020 tuyển được 42,18%; Năm 2021 tuyển được 56,70%; Năm 2022 tuyển được 57,92. Lĩnh vực Nông lâm và Thuỷ sản, năm 2020 tuyển được 44,2%; Năm 2021 tuyển được 62,32%; Năm 2022 tuyển được 49,1%. 

Vai trò các ngành khoa học cơ bản là không thể bàn cãi. Vậy tại sao, sinh viên không mặn mà với các ngành này? Mời độc giả tiếp tục theo dõi bài 2 của tuyến bài vào ngày mai, 25/4.