LTS: Sau 55 ngày đêm tiến quân “thần tốc” với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 của quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc vẻ vang sự nghiệp đấu tranh thống nhất non sông.

50 năm sau chiến thắng lịch sử, đất nước lại bước vào một kỷ nguyên mới – “xây dựng một tương lai huy hoàng, rạng rỡ cho dân tộc Việt Nam”. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.

Tại đây, các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - cội nguồn thắng lợi của cuộc kháng chiến, là ý chí bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc và thống nhất non sông, là niềm tin bước vào Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.  

VietNamNet mời độc giả gặp lại những “tượng đài sống”, chứng nhân hiếm hoi còn lại trong những thời khắc lịch sử. Đó là các bác, các cô là cựu chiến sĩ biệt động, cựu tù chính trị, những người từng tham gia phong trào học sinh sinh viên, đấu tranh đô thị… Họ đã dành tuổi trẻ, niềm tin, lòng quyết tâm và cả niềm hy vọng cho ngày toàn thắng.

Làm liên lạc "ngầm" cho ba từ nhỏ

Tháng Tư về, ông Kiều Xuân Long (SN 1939, Trưởng ban liên lạc truyền thống kháng chiến - Ban Trí vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) mở cuốn sổ, đọc danh sách những người sẽ tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Cũng như ông, họ đều là nhân chứng sống, từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng của đất nước cách đây 50 năm.

Ông Long xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng. Ba ông là bác sĩ Kiều Xuân Cư, tham gia hoạt động bí mật rồi trở thành cán bộ tình báo ngay trong nội thành Nha Trang, Khánh Hòa.

W-chien-dich-2.JPG.jpg
Ông Kiều Xuân Long tham gia hoạt động cách mạng từ năm 13-14 tuổi. Ảnh: Hà Nguyễn

"Khi tôi còn nhỏ, ông thường nhờ tôi đi giao bao thuốc lá, tờ báo cho bác Năm, chú Ba… Mỗi lần như thế, tôi đều vâng lời, vô tư cầm những vật ấy đến giao theo lời ba đã dặn. Mãi sau này, khi lớn lên, tôi mới biết đó là tài liệu hoạt động cách mạng được ngụy trang dưới vỏ bọc bao thuốc lá, vỉ thuốc tây, tờ báo…

Lúc đó, ba tôi nằm trong tổ tình báo do Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức. Năm 1952-1953, Đại tướng nhận thấy ở Nha Trang có sân bay của địch. Ông quyết định thành lập riêng tổ tình báo để nắm tình hình, kiềm chế sự chi viện của sân bay này ra chiến trường phía Bắc. Đường dây liên lạc nối liền từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế đến Khánh Hòa.

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, Đại tướng chỉ thị đánh bom sân bay Nha Trang. Dù không thiệt hại lớn nhưng vụ tấn công khiến địch bất ngờ, hoang mang. Bởi địch không thể ngờ lực lượng của ta đã nằm sâu trong lòng của chúng”, ông Long kể lại.

Sau 1954, ông Long và các ông Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân, một tài năng thơ nổi tiếng nhất với Dáng đứng Việt Nam), Dương Tấn Phước được tập kết ra Bắc học tập, đào tạo. Tại Hà Nội, cả 3 ông sau đó được đặc cách thi vào Đại học Tổng hợp để đào tạo cán bộ nguồn cho miền Nam.

Thời gian là sinh viên ở Đại học Tổng hợp, ông Long có vô vàn kỷ niệm không thể quên. Một trong số này là khoảnh khắc được đứng xem Bác Hồ bắt nhịp, hát cùng đoàn sinh viên ca khúc Kết đoàn ở quảng trường Ba Đình.

chien dich 3jpg 119297.jpg
Ông Long giới thiệu hình ảnh mình cùng đồng đội di chuyển từ ngoại thành vào nội đô Sài Gòn khi diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hà Nguyễn

Sau đó, khoảng năm 1964, khi đang giảng dạy môn Hóa ở trường Đại học Sư phạm, ông được lệnh lên đường vào Nam. Tại đây, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định xác định trí thức là lực lượng có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng nên thành lập Ban Trí vận để vận động nhân sĩ, trí thức tham gia cuộc kháng chiến. Ông Long được điều động giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Ban Trí vận.

Ban có nhiệm vụ vận động, tổ chức phong trào đấu tranh chính trị của tầng lớp trí thức, công chức cao cấp, giáo chức, tu sĩ các tôn giáo, các nhà tư sản, văn nghệ sĩ… hòa cùng phong trào đấu tranh chính trị của các giới đồng bào đô thị như: thanh niên, phụ nữ, công nhân... 

W-chien-dich-4.JPG.jpg
Ông cho biết, khi được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông và đồng đội cảm thấy tự hào, thiêng liêng và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Ảnh: Hà Nguyễn

Làm suy yếu hàng ngũ địch

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trí thức Sài Gòn - Gia Định theo sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Trí vận đã tìm cách làm suy yếu hàng ngũ địch, nhất là đối với bộ phận chóp bu của chính quyền Sài Gòn.

"Chúng tôi nhận nhiệm vụ tập trung lực lượng đánh đổ quân địch từ bên trên và từ trong ruột đánh ra, góp phần tạo nên 'cục diện mới' để kết thúc chiến tranh theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là lý do tôi gọi lực lượng này là cánh quân đặc biệt”, ông Long lý giải.

Những năm 1968-1973, tổ chức của ông Long hoạt động bí mật tại huyện Củ Chi, Bình Chánh. Người của ông liên tục liên lạc đưa thư từ, tài liệu vào nội thành cho các cơ sở như luật sư Triệu Quốc Mạnh, bác sĩ Dương Huỳnh Hoa, Kiều Mộng Thu…

Ngày 28/4/1975, Ban Trí vận cử ông Triệu Quốc Mạnh ra làm việc cho ông Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Sau khi tiếp cận thành công, ông Mạnh được ông Minh cho giữ chức Chỉ huy trưởng cảnh sát Đô thành - Gia Định của chính quyền Sài Gòn.

Ông Long nhớ lại: “Thời điểm đó, toàn bộ lực lượng bảo vệ Sài Gòn là cảnh sát Việt Nam Cộng hòa. Lực lượng này có hỏa lực mạnh, quân số đông.

Giữ chức Chỉ huy trưởng, ông Mạnh đã giải tán toàn bộ lực lượng cảnh sát tại Sài Gòn. Nhờ đó, khi tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975, quân đội của ta gần như không gặp phải sự kháng cự nào”.

anh 30 4 Ha nghi vien.jpg
Ban Trí vận tiếp quản Hạ nghị viện ngày 30/4/1975. Ảnh: NVCC

Những ngày cuối tháng 4/1975, lực lượng của ông Long được lệnh tiến vào Sài Gòn từ phía Nam thành phố. Khi đang trên đường hành quân, đơn vị của ông nhận thông tin đổi tên Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đơn vị của ông giăng băng rôn, khẩu hiệu, làm lễ xuất quân trong không khí thiêng liêng, tự hào tại huyện Bình Chánh.

Từ Bình Chánh, đơn vị của ông tiến vào Sài Gòn. Sau đó, đơn vị được giao nhiệm vụ đến tiếp quản Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, Tòa án, Hạ nghị viện, Trung tâm Văn hóa Việt - Mỹ… rồi tỏa đi các nơi để tiếp quản các cơ sở của địch như: cảnh sát, đồn, bốt…

W-chien-dich-5.JPG.jpg
Ông Long giới thiệu tài liệu quý về những nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc. Ảnh: Hà Nguyễn

Vào thành phố trong tâm thế sẵn sàng hy sinh

Giọng đầy tự hào, ông Long chia sẻ: “Khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chúng tôi đang ở phía sau dinh Độc Lập. Nghe tin ông Minh đầu hàng vô điều kiện, chúng tôi rất bất ngờ. Trước đó, khi tiến vào thành phố, chúng tôi đã chuẩn bị cho việc sẽ có kháng cự, có đổ máu. Ai cũng trong tâm thế sẵn sàng hy sinh. Ai cũng tin có thắng lợi và chấp nhận việc có thể mình sẽ không kịp chứng kiến giây phút lịch sử ấy.

Thế nên, khi không có tiếng súng, không có đổ máu, chúng tôi rất bất ngờ và vô cùng hạnh phúc. Chúng tôi vui đến nỗi nước mắt tuôn rơi, cảm giác như đây là một giấc mơ.

Chúng tôi lần đầu được gặp mặt những người từng làm việc chung nhưng chỉ biết tên và chưa một lần biết mặt như: linh mục Huỳnh Công Minh, giáo dân Nguyễn Đình Đầu (trong nhóm trợ lý cố vấn cho Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình)… Mọi người ôm lấy nhau mà khóc.

W-chien-dich-7.JPG.jpg
Ông Long hiện là Trưởng Ban liên lạc truyền thống kháng chiến - Ban Trí vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: Hà Nguyễn

Việc tiến vào thành phố ngày 30/4 không gặp phải sự kháng cự, đổ máu có công lớn của ông Triệu Quốc Mạnh - Chỉ huy trưởng cảnh sát Đô thành - Gia Định trong vòng 24 giờ. Nhờ việc này, ông Mạnh giải tán được lực lượng cảnh sát tại thành phố để chúng ta tiến vào mà không gặp phải sự kháng cự.

Đó chính là sức mạnh của cánh quân đặc biệt. Lực lượng tại chỗ này đã làm mọi thứ tốt nhất để đón 5 cánh quân chủ lực tiến vào thành phố”.

IMG_3043.JPG
Ông Kiều Xuân Long cùng mẹ trong lễ nhận huân chương Độc lập hạng nhì năm 1999. Ảnh: NVCC

Thống nhất đất nước, ông Long tham gia quân quản rồi giữ chức Chánh Văn phòng, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc TPHCM. Năm 1977, ông nhận công tác tại Ban Khoa giáo Trung ương. Sau thời gian đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, ông về nước giữ chức Vụ phó Vụ Giáo dục, Ban Khoa giáo Trung ương cho đến khi nghỉ hưu.

(Ghi theo lời kể của ông Kiều Xuân Long, Trưởng Ban liên lạc truyền thống kháng chiến - Ban Trí vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định)