Nhiều kỷ lục được thiết lập
Tại buổi họp báo kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 của Bộ NN-PTNT, chiều 29/12, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, song giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Theo đó, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022; sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%...
Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm nay đạt 53,01 tỷ USD. Xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.
Hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; cà phê 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%...
Ngoài những con số kỷ lục trên, năm nay ngành nông nghiệp tổ chức thành công Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo; Gạo ST25 của nước ta lần thứ 2 được giải Gạo ngon nhất thế giới; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt.
Lần đầu tiên ngành lâm nghiệp Việt Nam chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới, thu về gần 1.250 tỷ đồng, giúp các chủ rừng có thêm nguồn thu nhập.
“Những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp như chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc về các con số mà ngành đạt được trong năm nay”, ông Tiến bày tỏ.
Mục tiêu 54-55 tỷ USD, cần xoay trục linh hoạt
Tại họp báo, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), cho biết năm 2024 ngành đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 3-3,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54-55 tỷ USD.
Theo ông Việt, năm 2024 dự báo ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về vấn đề thị trường xuất khẩu, dịch bệnh và tiềm ẩn những nguy cơ khi mưa lũ diễn biến bất thường, hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino…
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, năm 2023 rất khó khăn về thị trường, xung đột chính trị trên thế giới ảnh hưởng đến giá cả và chuỗi cung ứng… Nhưng khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau chính sách Zero Covid, chúng ta đã chớp thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Đây là kinh nghiệm để làm thị trường trong năm tới. Vậy nên, muốn đạt được mục tiêu xuất khẩu cần xác định được thị trường trọng điểm cho năm tới, ông Tiệp nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, những tín hiệu xuất khẩu tốt của một số ngành hàng sẽ tạo tiền đề để năm 2024 ngành nông nghiệp tăng tốc trong xuất khẩu.
Năm 2023, cơ cấu thị trường đã thay đổi. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lên tới 22,3%, còn tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ giảm. Sầu riêng đầu năm dự báo kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, nhưng kết thúc năm đạt 2,25 tỷ USD.
Tới đây, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ còn tăng cao khi chúng ta ký thêm nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa và thuỷ sản sang thị trường này. Sản phẩm tổ yến hiện nay nước ta có 7 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Tiến, chúng ta xoay trục rất nhanh, linh hoạt trong điều hành và sản xuất. Trong lúc xuất khẩu thuỷ sản, lâm nghiệp sụt giảm, chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu rau quả, gạo và các loại nông sản khác góp phần vào kết quả xuất khẩu cả năm 53 tỷ USD của toàn ngành.
Ông nhấn mạnh, thị trường là đầu kéo. Cơ cấu sản xuất phải linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thị trường. Làm được chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỷ USD trong năm tới.