Gần nhà tôi có một gia đình ông bà này khá đông con. Các con của ông bà đều nhanh nhẹn, hoạt bát nên kinh tế rất vững; có người là tỷ phú ở trong Nam, có người có mấy nhà ở Hà Nội; ở quê có biệt thự hoành tráng. Nếu mọi việc đều suôn sẻ gia đình ông bà sẽ rất hoàn hảo. Tiếc là một sự cố bất ngờ đã xảy ra mới đây với gia đình ông bà.
Dịp gần Tết vừa rồi người con gái của ông bà mang chắt ngoại đến nhà hai cụ chơi. Trong lúc bà ngoại không để ý lại cháu mở được cổng ra ngoài. Đen đủi là ở ngay cổng có một cái ao, cháu bé đã rơi xuống và chết đuối. Thật đau lòng.
Gần nhà ông bà này có một gia đình khác cũng đông con. Ông thì rất tốt bụng, đức độ. Đám tang của ông mấy năm trước đông nhất làng từ trước đến nay. Ngược lại bà vô cùng ghê gớm. Bà chửi chồng con, hàng xóm với những lời lẽ khó nghe bất kể lúc nào. Vì có người mẹ như thế nên các con bà dù cũng được cho ăn học nhưng hầu như đều bị chậm phát triển, đều rất vất vả.
Chuyện của hai gia đình này làm tôi suy nghĩ nhiều. Tôi học ngành tự nhiên nhưng lại rất thích văn học phương Tây như văn học Anh, Pháp nên thường sống theo lý trí. Không theo tôn giáo nào nên nhiều khi cũng hơi tiếc vì không có một Đức tin để dẫn dắt tâm hồn. Trước kia tôi không tin lắm vào luật nhân quả nhưng qua chuyện của 2 gia đình này tôi đã có dịp nhìn lại mình hơn. Tôi thấy rằng nếu mình làm việc không tử tế, có thể đời mình không sao nhưng có thể đời con, đời cháu, đời chắt… mình sẽ lĩnh hậu quả. Nhân quả có thể sẽ tuần hoàn và rất có thể chúng ta sẽ phải trả giá theo cách không thể ngờ tới.
Khi viết Thế giới phẳng thì Internet vẫn chưa phát triển mạnh nhưng nhà báo Thomas Friedman đã viết có đoạn đại ý: ''Người ta muốn biết mình là ai thì họ sẽ tra cứu là sẽ biết ta là ai''. Còn người Mỹ sống theo chủ nghĩa cá nhân, việc ai làm người đó chịu.
Còn một đất nước muốn hạnh phúc phải có tính nhân vản sâu sắc, các nước phát triển hàng đầu thế giới như Thụy Sĩ, Đan Mạch, Na Uy luôn có chỉ số hạnh phúc, phát triển con người đứng hàng đầu thế giới, là những nước rất nhân bản.
Suy nghĩ như vậy nên tâm tôi luôn hướng thiện. Hàng ngày tôi đều cố gắng làm người tử tế, đơn giản là thấy cần phải làm thế chứ chẳng phải mong làm thế để được điều này điều nọ. Thấy cần phải cứu cái cây hay giúp đỡ người khác. Mọi việc làm đều rất thành tâm, ngay cả việc cúng bái, lễ lạt.
Đất nước chúng ta nhiều năm gần đây đã có nhiều chùa chiền được xây mới cực kỳ hoành tráng, có rất nhiều lễ hội được khôi phục nhưng bức tranh đạo đức của toàn xã hội vẫn không tươi sáng hơn. Điều này đã làm những người có lương tri rất đau lòng.
Có nhiều người đi lễ cầu những điều đao to búa lớn như quốc thái dân an nhưng lại xả rác bừa bãi ra đường thậm chí ngay tại chùa/nhà thờ hoặc ra đường thấy người rơi tiền lại hôi của phản cảm thì xây chùa/nhà thờ to tát để làm gì, cầu nguyện những điều to tát để làm gì? Hãy biến những điều nguyện cầu cho đất nước đó bằng những hành động thực tế. Đừng phá hoại môi trường, đừng vượt đèn đỏ… là những việc ai cũng có thể làm được. “Những điều nhỏ nhoi” này hơn vạn lời cầu nguyện sáo rỗng. Nếu cứ tiếp tục cầu nguyện sáo rỗng mà không làm “những điều nhỏ nhoi” như vậy thì những điều khủng khiếp như dịch Covid-19 rất có thể sẽ xuất hiện thường xuyên.
Dịch Covid–19 là lời cảnh báo đanh thép để loài người sớm thức tỉnh trong việc đối xử với tự nhiên. Nếu những hành động tàn phá tự nhiên không dừng lại thì trong tương lai chúng ta sẽ phải đối diện với thiên tai, dịch họa thường xuyên bởi càng tác động để thay đổi môi trường sống, chúng ta càng có khả năng phá vỡ hệ sinh thái và tạo cơ hội cho bệnh tật mới xuất hiện.
Đi lễ đầu năm như là tập tục trên đất nước. Có thể đi lễ chùa, có thể đi lễ nhà thờ, thậm chí có thể lễ online khi có dịch bệnh. Để tập tục này ngày một đẹp hơn thì việc lễ lạt cũng cần phải thực tâm hơn. Tôn giáo nào thì cũng hướng con người đến điều thiện. Đi lễ quan trọng nhất là sự thành tâm. "Thiện căn ở tại lòng ta” như cụ Nguyễn Du đã dạy. Lễ gì thì lễ, cầu gì thì cầu, trước hết phải là người tử tế đã.
Anh Phạm