Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87 km. Hoài Nhơn có Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam đi qua, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía bắc tỉnh Bình Định, là điểm đầu mối giao thông quan trọng đến các huyện Hoài Ân, An Lão và là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề.
Hoài Nhơn có bờ biển dài 24km, có 2 cửa biển Tam Quan và An Dũ. Vùng biển Hoài Nhơn có khoảng 500 loài cá, trong đó có 38 loài cá có kinh tế và có nhiều đặc sản quý hiếm, giá trị xuất khẩu cao.
Toàn thị xã có 17 đơn vị hành chính gồm 6 xã và 11 phường gồm: Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Phú, Hoài Mỹ, Hoài Hải, các phường gồm: Hoài Hảo, Hoài Tân, Hoài Đức, Hoài Xuân, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc, Bồng Sơn, Tam Quan.
Trong số đó, Tam Quan Bắc nổi lên là một trong những phường phát triển kinh tế biển nhanh và mạnh nhất.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Hoài Nhơn, trước đây, Tam Quan Bắc là làng chài nghèo ven biển, cuộc sống người dân còn thiếu thốn và khá khó khăn. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, phường Tam Quan Bắc đã phát triển mạnh mẽ, lột xác ngoạn mục. Đến nơi đây, không còn thấy cảnh một làng chài nghèo khó, thay vào đó là nhà cao tầng, biệt thự mọc lên san sát, hàng quán, cửa hiệu khắp nơi…
Có được những thành tựu như ngày hôm nay là nhờ Tam Quan Bắc phát triển nghề khai thác thủy sản xa bờ, đặc biệt là nghề câu cá ngừ đại dương. Trong số đó, làng chài Thiện Chánh được xem là làng câu cá ngừ đại dương (còn gọi là cá bò gù) lớn nhất Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Thanh Hồng (61 tuổi, Trưởng khu phố Thiện Chánh 2), cho biết, trước đây, làng Thiện Chánh chỉ có mấy chục nóc nhà dựng bằng cốt tre, lợp mái tranh. Người dân trong làng chỉ có nghề khai thác hải sản gần bờ, phương tiện đánh bắt nhỏ, trang bị thô sơ nên hiệu quả rất thấp, thu nhập không ổn định. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, số lượng tàu đã tăng lên rất nhiều.
Toàn thị xã có hơn 2.100 tàu cá đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương chiếm khoảng 60 - 70% sản lượng cá ngừ của cả nước. Trong đó, Tam Quan Bắc có 1.062 tàu đánh bắt xa bờ.
Ông Sáu Ninh được xem như "vua tàu cá" ở thị xã Hoài Nhơn. Do sức khỏe không cho phép ông "cưỡi gió, đạp sóng" nên hiện tại, ông Ninh ngồi nhà chỉ huy đội tàu 12 chiếc của gia đình. Hay như ông Trần Văn Sơn (50 tuổi, ở khu phố Thiện Chánh 2) làm chủ đội tàu gồm 7 chiếc và các ngư dân Huỳnh Quang Đạo, Nguyễn Văn Hùng, Huỳnh Văn Tình, Trần Trung Sơn, Đào Vương… đều là những người sở hữu từ 3 - 6 tàu cá, trị giá hàng chục tỷ đồng.
Có những thợ câu cá ngừ bây giờ đã mở cửa hàng, công ty thủy sản, xưởng đóng tàu hoặc sở hữu cả đội tàu câu cá ngừ nhiều chiếc với hàng chục, hàng trăm lao động.
Tàu câu cá ngừ đại dương trang bị không quá cầu kỳ. Người câu cá cần có chiếc cần câu làm bằng tre, dây cước và lưỡi câu phải lớn như chiếc đũa. Tuy nhiên, công việc này lại đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ người săn cá ngừ. Bởi lẽ, theo ngư dân, loài cá này được mệnh danh là "chúa biển", "cọp biển" bởi chúng rất hung hãn và mạnh mẽ khi đi săn mồi.
Hiện giá cá ngừ đại dương đang được thương lái thu mua ở các cảng cá của tỉnh Bình Định từ 145.000 – 165.000 đồng/kg, lập đỉnh cao nhất trong những năm trở lại đây.
(Theo Nhịp Sống Việt)
Kể từ khi thay đổi phương thức đánh bắt câu vàng sang câu đèn, nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên dần bước sang giai đoạn thoái trào.