Chia sẻ với báo VietnamNet, bà Trương Thị Chí Bình, PCT kiêm TTK Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ, chính sách cấp bù lãi suất là rất lý tưởng với cộng đồng doanh nghiệp. Trước đây, rất khó mong chờ các ngân hàng thương mại cho vay vốn lãi suất thấp. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần Chính phủ Quỹ bảo lãnh tín dụng để DN tiếp cận được.

“Tới thời điểm này, chính sách cấp bù lãi suất là lý tưởng hơn bao giờ hết đối với doanh nghiệp. Trước đây, các địa phương cũng đã làm việc này rồi với mức cấp bù khoảng 2- 3% nhưng số lượng DN tiếp cận được không nhiều. Thường là DN có những dự án cực kì tốt, cực kì khả thi mới được tiếp cận’, bà Bình chia sẻ.

Bà cũng cho biết: “Với doanh nghiệp, bù 2 -3% lãi suất là đã quý lắm rồi, chứ không kì vọng đến 5%. Nhưng quan trọng nhất là, công nghiệp hỗ trợ cũng chỉ phát triển ở một số địa phương thôi nên tôi nghĩ, chính sách này sẽ khả thi nếu như địa phương chung tay vào câu chuyện này.

{keywords}
Doanh nghiệp chỉ cần bù lãi suất 2-3% là mừng

Theo bà Bình, Nhà nước cần khảo sát để xem, nếu có cấp bù, cấp 5%, 4%, 3% thì DN sẽ đầu tư như thế nào để các địa phương có sự chuẩn bị. Trước mắt, Nhà nước cấp bù lãi suất nhưng sau này, doanh nghiệp phát triển thì Nhà nước vẫn thu được nhiều thuế cho ngân sách. Đây là một bài toán dài hạn, thả “con săn sắt để bắt con cá rô sau”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm, “Sự hỗ trợ của Nhà nước không phải là từ thiện mà đây là khoản đầu tư cho tương lai. Bởi, động lực của kinh tế Việt Nam chính là khu vực kinh tế tư nhân, cần những doanh nghiệp tư nhân sản xuất có trình độ. Những doanh nghiệp này kết nối và làm ăn được với các Tập đoàn lớn, có công nghệ và thương hiệu hàng đầu thế giới thì sẽ có cơ hội lớn nhanh. Như vậy, chúng ta sẽ hình thành được nhiều doanh nghiệp Việt Nam có quy mô cỡ vừa và sau này là cỡ lớn trong tương lai”.

{keywords}
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam

Theo ông Tuấn, cần có những cú huých để doanh nghiệp CNHT có thể lớn lên được, ít nhất là 5-10 năm tới. Vấn đề đặt ra là làm sao thúc đẩy họ kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu, trở thành nhà cung cấp của các Tập đoàn lớn. Nhưng chúng ta không chỉ dựa vào các Tập đoàn lớn có thiện ý mà cần cả những thiết kế bên trong. Những khoản đầu tư hỗ trợ của Nhà nước hoàn toàn được đảm bảo bằng chính việc DN kí được hợp đồng, tham gia với các DN lớn. Nhà nước bỏ ra một khoản tiền nhỏ nhưng tác động tích cực và dần dần hình thành những ngành, cộng đồng DN mạnh.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, có những tỉnh, thành phố phù hợp phát triển CNHT thì cần được Trung ương có những chính sách khuyến khích, hướng dẫn, có cơ chế tạo điều kiện hình thành những nguồn lực này tại địa phương. Nhà nước nên có những chương trình chính sách bật đèn xanh, thuận lợi về mặt chính sách để các địa phương có thể sử dụng nguồn lực của mình hỗ trợ DN CNHT. Với địa phương, có thể bỏ nguồn lực không lớn nhưng hiệu ứng về mặt dài hạn thì lại lớn thì họ sẽ có động lực tốt.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT phải vận hành phải theo thị trường, đảm bảo minh bach để làm sao DN có khả năng tốt nhất thì có thể tiếp cận được ưu đãi như cấp bù lãi suất chứ không phải DN quen biết nhất hay cơ chế phân bổ theo kiểu xin cho, chia đều…

“Nhà nước cần thiết kế chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CNHT phải đảm bảo được tính thị trường, tính cạnh tranh, công khai, minh bạch. Để triển khai chương trình diện rộng có thể khó, có thể chọn 1 số ngành hàng, một số lĩnh vực hoặc một số địa bàn để thí điểm trước là bước đi phù hợp”, ông Tuấn đề xuất.

{keywords}
Doanh nghiệp có thể thuê máy móc thiết bị của Nhà nước đầu tư để giảm chi phí

Bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, PGĐ Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ bày tỏ, ngoài giải pháp về tiếp cận vốn, chúng tôi tính toán phát triển mô hình đầu tư máy móc thiết cho các doanh nghiệp dùng chung đặt tại các trung tâm hỗ trợ kỹ thuậ. Nếu để phục vụ đơn hàng nhỏ mà một doanh nghiệp đầu tư máy móc sẽ rất khó.

Hệ thống máy móc này có thể đặt tại Trung tâm IDC hoặc Trung tâm Vitask (Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt- Hàn). Như vậy, doanh nghiệp có thể đến các trung tâm để thuê máy móc thiết bị sẽ hiệu quả hơn và cũng tiết kiệm được nhiều.

“Như vậy, chưa cần phải tiếp cận đến vốn để đầu tư trang thiết bị, các doanh nghiệp vẫn có thể có điều kiện để cải thiện được hoạt động sản xuất của mình”, bà Thuý nói.

Băng Dương