Mời quý độc giả theo dõi video:
Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ để giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Nhận thấy rõ tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngày 03/10/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc khóa XXIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã ban hành Đề án số 13 – ĐA/HU về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Nghi Lộc giai đoạn 2022-2025”. Đề án đã xác định mục tiêu và 5 nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 2.400 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 190%/năm.
Hiện, Đề án đã và đang được cấp ủy các cơ sở Đảng quán triệt, triển khai tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả.
Với quyết tâm cao, từ huyện đến cơ sở ở Nghi Lộc đang nỗ lực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.
Các địa phương của huyện Nghi Lộc đã triển khai ứng dụng công nghệ cao trên lĩnh vực trồng trọt. Giai đoạn 2018 - 2020, huyện Nghi Lộc hỗ trợ 350 triệu đồng/mô hình để xây dựng nhà màng có diện tích 2.500 m2 trở lên. Từ năm 2021 đến nay, hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/mô hình để xây dựng nhà màng có diện tích 1.000 m2 trở lên.
Hiện toàn huyện có 24 mô hình ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 159.300 m2, bao gồm 22 mô hình sản xuất dưa lưới, nho, rau củ quả với diện tích 50.300 m2 và 2 mô hình trồng cam, bưởi với diện tích 109.000 m2. Các mô hình này cho tổng sản lượng trên 403 tấn củ quả, doanh thu 14 tỷ 539 triệu đồng, đạt 7 tỷ 763 triệu đồng lãi ròng/năm. Hàng năm, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần tạo việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập bình quân trên 78.400.000 đồng/người/năm.
Những con số trên cho thấy các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Nghi Lộc đang mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp xưa cũ. Cụ thể: Trồng dưa lưới, rau, củ, quả trong nhà màng cao gấp 10 lần; trồng cam, bưởi ứng dụng công nghệ cao gấp 4 lần; nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng công nghệ qua nhiều giai đoạn cao gấp 7,26 lần.
Có thể nói rằng, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã phát huy được hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và bước đầu làm thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh cho nông dân đang được nhân ra trên diện rộng, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp của huyện phát triển bền vững, toàn diện.
Thùy Chi - Đức Yên